Trong tình hình những tiết mục hài nhảm nhí, thô tục tràn ngập các chương trình hài trên tivi khiến khán giả bội thực, bực bội thì chương trình thi hài Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội vừa kết thúc tối 2-6 như một cơn gió lạ, trong lành làm dịu mát sự bức bối của khán giả. Bởi các tiết mục của chương trình càng về sau càng chỉn chu, chất lượng, đậm tính nghệ thuật - sáng tạo và loại trừ yếu tố thô tục. Sự xuất hiện của nhóm Buffalo trong cuộc thi hài này chính là tác nhân rất lớn thúc đẩy sự thay đổi đó.
Bị “anti” tơi bời vì “hài nghệ thuật”
Theo dõi suốt chương trình thi hài Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội sẽ thấy bất cứ vòng thi nào cũng xuất hiện rất nhiều lời bình trên mạng chỉ trích: Tại sao nhóm Buffalo diễn coi không nổi mà lại điểm cao? Tại sao giám khảo thiên vị Buffalo? Tại sao Buffalo diễn hài mà lúc nào người coi cũng khóc? Tại sao coi Buffalo diễn mà không hiểu vậy?... Kèm theo đó là cả mớ “nick” tuyên bố ghét Buffalo.
Vậy nhưng cứ sau những lời chê bai, chỉ trích nặng nề đó lại có không ít lời bênh vực Buffalo một cách ôn hòa. Những phản bác này phân tích sự chuyên nghiệp, tính sáng tạo, sự công phu của Buffalo trong mỗi tiết mục; cũng như giá trị nhân văn của Buffalo gửi gắm đằng sau mỗi tiếng cười, giọt nước mắt Buffalo mang lại. Những thứ đó khán giả bênh vực Buffalo gọi là “nghệ thuật”, “hài nghệ thuật”. Rồi đến “anti fan” Buffalo khi chê nhóm này cũng bắt đầu nói đến chuyện “nghệ thuật”, “hài nghệ thuật” của nhóm, thành ra như một sự công nhận các tiết mục của nhóm luôn mang chất nghệ thuật và hướng đến tính nghệ thuật.
Nhóm Buffalo được đánh giá diễn hài giỏi từ khâu dàn dựng, diễn xuất đến làm kịch bản mang đậm chất Việt và nhiều ý nghĩa nhân văn.
Riêng dân trong nghề, những người được đào tạo sân khấu bài bản và làm nghề lâu năm thì nhận ra ở Buffalo một năng lực sáng tạo dồi dào thật đáng nể. Nhóm liên tục đưa ra những cách xử lý, dàn dựng sân khấu thông minh, độc đáo như người bước ra từ chiếc truyền hình, người bước ra từ bàn thờ… Tiếng cười của nhóm thường xuyên xuất hiện từ tình huống kịch bất ngờ và có ý nghĩa khiến người xem cảm động. Nhóm tạo bản sắc riêng, cá tính riêng khi vẫn giữ được chất nhạc kịch trong từng tiết mục hài của mình. Các thành viên của nhóm diễn nghiêm túc, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ và có một năng lực sân khấu rất đáng khen như hát hay, múa giỏi, diễn tốt. Từng kịch bản của nhóm đều khác biệt, có chiều sâu, có ý nghĩa.
Nhờ bị chê, bị chửi mà chinh phục được khán giả
Không xuất thân từ hài, lại là một nhóm diễn nhạc kịch nên bước đầu đến với cuộc thi hài này Buffalo thật sự có vẻ lạc lõng. Nhóm ít đem lại tiếng cười hòa nhập vào không khí hài tưng bừng của các nhóm khác dù mỗi tiết mục của nhóm đều thật sự là tiết mục hay, tốt. Tuy nhiên, cứ sau mỗi vòng thi, rút kinh nghiệm, tiếng cười của nhóm đem lại càng lúc càng nhiều hơn. Nhóm cũng ít chất nhạc kịch kiểu Tây hơn mà bắt đầu Việt Nam hóa nhạc kịch của mình với những bài hát, những câu chuyện gần gũi.
Các tiết mục Đoàn lô tô Năm Phượng, Mình ơi, Chợ nổi miền Tây, Tôi sẽ về của nhóm tràn ngập tiếng cười pha lẫn nước mắt, hình ảnh quê hương đất nước và những câu chuyện đời thật về người dân lao động nghèo, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương. Khán giả khen ngợi ào ào, lượng người xem tăng vù vù. Số người hâm mộ tăng lên, số người “anti” giảm đi và những người ghét, chê Buffalo trước đó cũng buộc phải công nhận nhóm ở những thành công đó. Không chỉ thế, với những tiểu phẩm hài thành công mà vẫn đậm chất nghệ thuật, chuyên nghiệp, bài bản của mình, Buffalo bắt đầu gây sức ép lên các đội chơi khác của cuộc thi. Những nhóm hài khác bắt đầu chạy đua với nhóm ở tính nghệ thuật, đầu tư nghiêm túc, bài bản và chú ý chiều sâu của kịch bản, chiều sâu nét diễn hơn. Chính nhờ thế mà khán giả được lợi khi được xem nhiều tiết mục hài hay, tôn trọng nghệ thuật chứ không chỉ là hài nhảm, thậm chí là hài dơ, hài tục…
Nói may mà có Buffalo trong làng hài tivi là vì vậy. Còn Buffalo cũng thật may khi trong thời buổi chính kịch, chất nghệ thuật phải chịu lép vế nhường chỗ hài - hài nhảm và sự giải trí lên ngôi, Buffalo đã nhờ con đường đi qua làng hài để được khán giả biết đến cách làm nghệ thuật của mình nhiều hơn.
“Hài gần khán giả hơn nhưng không đánh mất mình” Trưởng nhóm Buffalo, cũng là nhân tố chính viết kịch bản, dàn dựng các tiết mục của nhóm Nguyễn Khắc Duy chia sẻ: “Bản thân Duy cũng nghĩ rằng khi đã là diễn viên thì tự mỗi người đều phải diễn được cả bi, hài, chính kịch. Nên diễn hài là chuyện nhóm vẫn có thể làm được dù đó không phải sở trường, không phải chuyên môn. Sau thời gian đầu lúng túng, nhóm bắt đầu hiểu được khán giả nên bớt những cái riêng mình thích làm xuống, làm theo cái cách khán giả thích nhiều hơn và bắt đầu lấy thêm được tiếng cười, chinh phục được thêm nhiều khán giả, gần với khán giả hơn. Nhưng cho dù là làm hài để khán giả thích mình hơn, nhóm vẫn tự nhủ không bao giờ đánh mất giá trị nghệ thuật, phong cách nghệ thuật mình theo đuổi. Hiện có cả khán giả nước ngoài gọi điện thoại, nhắn tin về khen ngợi, chia sẻ”. |