Đây là một hiện tượng đặc biệt, đáng ngạc nhiên bởi giới kịch nghệ Sài Gòn đều thừa nhận và than thở trong hai năm 2014-2015 là giai đoạn sân khấu kịch Sài Gòn lâm nguy vì thưa vắng khán giả.
Trả vé, nghỉ diễn vẫn ồ ạt mở sân khấu mới
Trong năm 2015, gần như các sân khấu tại TP.HCM như Kịch IDÉCAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch 5B, Kịch Hoàng Thái Thanh, Kịch Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ… đều rơi vào tình trạng nhiều đêm diễn không đủ lượng khách để mở màn, phải trả vé cho khán giả. Các ông bà bầu sân khấu lớn như Kịch IDÉCAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Hoàng Thái Thanh… đã xác nhận lượng khán giả kịch đã giảm tới 50%.
Vậy nhưng chỉ trong năm 2015, đã có đến bốn sân khấu kịch tư nhân mới toanh ra đời. Vào tháng 4-2015, sân khấu Kịch Sen Việt của ông bầu Nguyên Đạt tuyên bố thành lập, thuê mướn rạp Công Nhân của Nhà hát Kịch TP.HCM làm sân khấu biểu diễn. Tháng 8-2015, Kịch CTM của ông bầu Bảo Anh làm lễ khai trương tại rạp Hồng Liên cũ ở quận 6. Ông bầu Bảo Anh vốn là người góp vốn với Kịch Hoàng Thái Thanh rồi rút vốn ra riêng. Tuy nhiên, tồn tại được vài tháng thì Kịch CTM phải ngưng hoạt động vì vắng khách. Dù vậy nhưng kết quả này không làm chùn chân những nghệ sĩ đang muốn ra sân khấu riêng. Nghệ sĩ - bà bầu Trịnh Kim Chi đã ngay lập tức thế chỗ ông bầu Bảo Anh tiếp nhận rạp Hồng Liên cũ để mở Kịch TKC của riêng mình, ra mắt vào giữa tháng 12-2015. Chỉ vài ngày sau khi nghệ sĩ Trịnh Kim Chi ra mắt sân khấu riêng, đạo diễn điện ảnh - nhà biên kịch Việt Linh khai trương sân khấu Kịch Hồng Hạc do chị đầu tư ở hội trường Trường Múa TP.HCM.
Chẳng lâu sau đó, vào mùng 2 tết Nguyên đán 2016, Kịch Buffalo coi như chính thức ra riêng với vở nhạc kịch Tấm Cám ở Nhà hát Bến Thành. Mới đây nhất, cuối tháng 3 vừa qua, diễn viên Gia Bảo, cháu nội nghệ sĩ Bảo Quốc, đã ra mắt sân khấu riêng mang tên Kịch Family với điểm diễn là hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Chưa hết, hiện đang có một số nghệ sĩ như nghệ sĩ hài Cát Phượng… đang ấp ủ dự tính tìm địa điểm mở sân khấu riêng cho mình. Lý giải tại sao sân khấu đang giảm sút khán giả mà nghệ sĩ vẫn ồ ạt ra sân khấu riêng, ông bầu mới nhất, trẻ nhất làng kịch Sài Gòn - diễn viên Gia Bảo cho biết: “Tết âm lịch 2016 khán giả kéo nhau đi coi kịch rất đông. Hầu như các sân khấu lớn đều cháy vé, bán hết vé trước vài ngày, vài tuần. Điều này cho nghệ sĩ kịch chúng tôi niềm tin là khán giả không bao giờ bỏ sân khấu. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí đang có dấu hiệu bão hòa, người xem bắt đầu chán. Khi các chương trình này hết thu hút thì khán giả đến với kịch lại tăng lên”.
Bà bầu - nghệ sĩ Trịnh Kim Chi (trái) và nghệ sĩ Tú Sương trong vở Tiếng hát réo linh hồn trên sân khấu TKC.
Chỉ diễn ma, hài, đồng tính
Điều làm cho các ông bà bầu nghệ sĩ tự tin mở sân khấu mới trong tình hình khán giả sụt giảm như ông bầu trẻ Gia Bảo nói, đó là họ sẵn sàng “chiều” khán giả, lôi kéo khán giả với cách của mình. Cách của nhiều ông bà bầu mới hiện nay là chuyên dựng kịch ma, kịch hài và kịch đồng tính.
Tết 2016, Kịch Sen Việt của bầu Nguyên Đạt đông nghẹt khách với hai vở kịch hài Đại hỉ và Thần tài với rất nhiều sao ăn khách như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang và các nghệ sĩ gạo cội Hồng Nga, Ngọc Giàu… Vở hài đầy ắp sao và tiếng cười, không thua bất cứ chương trình hài truyền hình thực tế nào trên tivi này đã phải dời ra Nhà hát Hòa Bình vì lượng khán giả đông quá. Lịch diễn ở sân khấu TKC của bà bầu Trịnh Kim Chi cũng tràn ngập những vở kịch kinh dị, hài, đồng tính nam, đồng tính nữ như Tiếng hát réo linh hồn, Rằm tháng Bảy, Một nửa đàn ông,… Những vở diễn mới nhất của sân khấu này là Người sói, Ngũ long báo thù, Kỳ án cung tâm kế, Một nửa đàn bà.
Sân khấu mới nhất, Kịch Family của ông bầu Gia Bảo cũng khai trương bằng ba vở diễn theo trào lưu này: kịch kinh dị có vở Khách sạn ma, kịch đồng tính có Thượng Ẩn, kịch hài có Cuộc chiến sui gia. Tuy nhiên, tất cả ông bà bầu của các sân khấu mới đều hứa là sân khấu của mình sẽ làm vở mang tính giải trí, chiều thị hiếu khán giả, một cách nghiêm túc, có đầu tư chứ không phải hài nhảm. Bên cạnh đó, họ sẽ cố gắng dựng một số ít vở nghệ thuật để tạo uy tín nghề nghiệp cho sân khấu của mình.
Việc các sân khấu mới ra đời còn là một cơ hội tốt đẹp cho các gương mặt trẻ. Hầu hết các sân khấu này đều dựa vào lực lượng trẻ làm nòng cốt nên nhiều diễn viên trẻ trở nên đắt show. Người ta thấy Huỳnh Lập, BB Trần, Hải Triều, Hồng Trang… mới xuất hiện tại Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ đã thấy xuất hiện TKC, rồi lại thấy tiếp ở Family… Kịch Buffalo thì tuyển hẳn một đội ngũ diễn viên trẻ măng, mới toanh có khả năng vừa hát vừa diễn vừa nhảy, vào tất cả vị trí chính lẫn phụ. Ở Kịch Hồng Hạc, nhiều nghệ sĩ trẻ được thử tay nghề đạo diễn như Hồng Ánh, Lan Phương…
Điểm sáng kịch nghệ thuật Trong tình hình các sân khấu từ cũ đến mới đều chạy theo các dòng kịch thị hiếu ăn khách như ma, hài, đồng tính, hai sân khấu mới Hồng Hạc và Buffalo đã chọn con đường đi rất riêng, rất dũng cảm là làm kịch nghệ thuật. Kịch Hồng Hạc đã dũng cảm chỉ chuyên dựng kịch văn học, chú trọng vào kịch bản có thoại mang chất văn chương cao, chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Tuy còn nhiều tranh cãi về sự hay dở ở sân khấu này nhưng sự tồn tại của Kịch Hồng Hạc cho đến hôm nay đã củng cố niềm tin cho những người tin vào giá trị của nghệ thuật chân chính. Riêng Kịch Buffalo là một điểm sáng rực rỡ của sân khấu Sài Gòn hiện nay. Các bạn trẻ ở đây đã làm nên một vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên hấp dẫn, sáng tạo, hoành tráng, nghiêm túc. Vở diễn Tấm Cám lại có một lượng khán giả riêng không nhỏ, ngày càng được yêu thích, liên tục tái diễn. Tấm Cám sẽ công diễn tiếp vào dịp 30-4 tới đây. |