Những diễn viên kịch trẻ từng bước khẳng định mình bằng tài năng, sự nỗ lực và bàn tay dìu dắt của những nghệ sĩ gạo cội trên sâu khấu kịch.
Tập kịch mọi lúc mọi nơi
Quốc Trường được đánh giá là “mỹ nam” nổi bật của phim truyền hình Việt hiện nay. Xuất thân từ người mẫu, bất ngờ bén duyên với nghề diễn khi đoạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm diễn viên trẻ triển vọng do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức, Quốc Trường đã dần quen thuộc với khán giả qua nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh và sân khấu kịch, có thể kể đến như Canh bạc cuộc đời, Không có gì và không một ai, Nghề thế thân…
Vở kịch đầu tiên mà Quốc Trường tham gia là vở Quyền lực tình yêu quy tụ dàn diễn viên nhiều kinh nghiệm sân khấu như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Mỹ Duyên, Hồng Ánh,… Đây được xem là vở kịch thơ đầu tiên của sân khấu miền Nam do đạo diễn Hữu Châu dàn dựng từ kịch bản của tác giả Nguyễn Quang Vinh. Để đảm nhận vai võ tướng Hoàng Bình, Quốc Trường kể: “Mọi người mất một tháng để tập luyện nhưng với tôi thì phải hai tháng. Thậm chí thời gian đó tôi mất ngủ mấy đêm vì lo lắng. Tập xong về nhà lại tập, ăn cũng tập, đi uống cà phê, nói chuyện với bạn bè cũng tập, tập mọi lúc mọi nơi. Những NSƯT như anh Thành Lộc, chị Mỹ Duyên, chị Hồng Ánh… tiếng nói của họ rất mạnh và có nội lực, tôi noi gương phải đi học thanh nhạc để rèn về phát âm. Tôi phát âm không tròn nên khi nói chuyện với bạn bè, chỉ cần họ phát hiện tôi nói sai tôi sẽ sửa lại ngay”. Cảm giác lạc lõng khi nằm lọt giữa những người xuất sắc, cuộc sống xa gia đình ngày ấy vẫn là nỗi ám ảnh với chàng diễn viên trẻ. Anh nói may mắn của anh là được gặp những đàn anh, đàn chị gạo cội thương mình như nghệ sĩ Hữu Châu, nghệ sĩ Thành Lộc…: “Tôi không qua trường lớp đào tạo bài bản nên tôi biết rõ những hạn chế của mình. Tôi diễn bản năng nên chỉ thật và dễ thương thôi. Những lúc khó khăn, lạc lõng tôi lại động viên mình: Cuộc đời tôi quá may mắn khi xung quanh mình có rất nhiều người yêu quý. Nếu không cố gắng, không vượt qua được thì làm sao tồn tại!”.
Diễn viên Quốc Trường tập kịch mọi lúc mọi nơi cùng bạn bè.
Khởi nghiệp bằng nghề diễn viên múa, Ngọc Xuân “tay ngang” bước vào sân khấu kịch với nỗ lực rất nhiều để khẳng định vị trí của mình. Mới đây, “Cô Tư xóm cỏ” tiếp tục khẳng định mình khi đầu quân về sân khấu kịch của bà bầu Trịnh Kim Chi bằng hai vai diễn được “đo ni đóng giày” cho mình: Trâm (vở Một nửa đàn bà) và Mỹ Lệ (Chuyện tình Lương Trúc). Trong đó, Một nửa đàn bà là một trong hai vở diễn “đinh” mùa kịch tết 2016 của Sân khấu Trịnh Kim Chi, kể về hành trình đi tìm hạnh phúc đầy khắc nghiệt của người đồng tính trước áp lực xã hội. Vai diễn của Ngọc Xuân góp phần gây ấn tượng sâu sắc cho vở diễn bởi thông điệp nhân văn cùng những cảm xúc rất thật cho người xem. Ngọc Xuân tâm sự diễn kịch khó ở chỗ là phải biết nuôi cảm xúc: “Cảnh khó nhất trong Một nửa đàn bà là cảnh đánh ghen, lúc Trâm mang thai nhưng vô tình nghe được lời thổ lộ của chồng mình dành cho chàng trai khác. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cảm giác tức giận mà quên mất cái thai nên cứ thế diễn theo bản năng. Chị Kim Chi dặn đang có bầu thì không được tưng tưng lên như vậy rồi chị diễn cho tôi xem. Tôi về nhà lấy cái gối quấn quanh bụng mình như mang bầu, tưởng tượng mình bị người yêu vứt bỏ, đứng trước gương tập đi tập lại, dùng cả điện thoại để quay. Nếu ở sân khấu tập một thì ở nhà phải tập 10”.
Đào tạo cũng trần ai
Vở diễn Một nửa đàn bà gây hiệu ứng mạnh khi có đến sáu diễn viên là người chuyển giới lần đầu tiên đóng kịch dài và xem như tự thể hiện về thân phận của chính mình. Nhớ lại những ngày tập luyện hướng dẫn cho các diễn viên lần đầu tiên đứng trên sân khấu kịch, NSƯT Trịnh Kim Chi vẫn không khỏi xúc động: “Tôi muốn tìm người thật sự đã chuyển giới trong vở diễn Một nửa đàn bà để họ thể hiện được chân thật nhất cuộc đời mình. Những diễn viên trong vở diễn đó đa phần là người tay ngang bước sang, phải hướng dẫn từng chút một, từ những cái nhỏ nhất như không được quay lưng về phía khán giả, bước ra khi có nhạc hiệu như thế nào, khi có ánh sáng thì đứng ở góc nào để khán giả có thể thấy biểu cảm trên gương mặt mình, cách diễn ra sao... Những trường đoạn khó tôi phải lên thị phạm cho các em học. Có những cảnh tôi đã làm trước nhưng khi bước vào các em diễn theo bản năng, mọi người thấy được, vẫn ủng hộ các em, miễn làm sao các em có được cảm xúc chân thật nhất”.
NSƯT Trịnh Kim Chi không khỏi tự hào khi chia sẻ về hai học trò của mình là diễn viên Ngọc Xuân và diễn viên Tân Nhã: “Tân Nhã vốn là diễn viên điện ảnh chuyển sang kịch, em có ngoại hình sáng sân khấu và giọng nói biểu cảm tốt. Còn Ngọc Xuân là diễn viên múa, em rất nhạy cảm với âm nhạc, chỉ có điều có những lúc nói hơi nhanh, phải tiết chế lại”.
Là người đã tiếp nhận và đào tạo rất nhiều diễn viên từ lĩnh vực khác chuyển sang sân khấu kịch, với NSƯT Hữu Châu điều quan trọng nhất là các diễn viên này phải có ý thức tự học, có năng khiếu và có duyên với nghề. “Từ lĩnh vực khác chuyển sang, kể cả là diễn viên điện ảnh chuyển sang sân khấu kịch, các em đều được đào tạo thêm. Kịch quan trọng nhất là giọng nói vang, biểu cảm và ngôn ngữ hình thể tốt. Một trong những người trẻ khiến tôi ấn tượng bởi cách tiếp thu nhanh, khả năng tự học tốt là Quốc Trường và Tường Vi. Không phải ai cũng có duyên với sân khấu, đó là điều không thể phủ nhận. Dù xuất thân là người mẫu, dắt lưng cũng kha khá những bộ phim điện ảnh nhưng khi bước vào sân khấu kịch, Quốc Trường cũng có những bỡ ngỡ nhất định. Chỉ cần chỉ dẫn vài lần, Quốc Trường đã có thể nhập vai tốt, đó là điều không phải diễn viên tay ngang nào cũng làm được”.