Theo thông tin từ Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (viết tắt là CHANGE), Sudan - cá thể đực cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc trên thế giới đã mất ở tuổi 45 tại Khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya vào ngày 19-3.
Theo đó, Sudan đã được điều trị vì các vấn đề sức khỏe do tuổi già và nhiễm trùng. Tình trạng của nó trở nên nghiêm trọng hơn trong 24 giờ sau đó.
“Sudan đã không thể đứng dậy và phải chịu đựng rất nhiều. Nhóm bác sĩ thú y tại vườn thú Dvůr Králové, Ol Pejeta và Dịch vụ động vật hoang dã Kenya (Kenya Wildlife Service) đã quyết định giải thoát cho nó” - đại diện tổ chức CHANGE thông tin.
Hiện trên thế giới chỉ còn lại hai cá thể tê giác trắng khác là con gái của Sudan - Najin và con gái của Najin - Fatu vẫn đang sống trong Khu bảo tồn Ol Pejeta.
Đại diện tổ chức CHANGE cho biết: Hy vọng duy nhất cho việc bảo tồn loài động vật này phụ thuộc vào sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), sử dụng trứng của hai cá thể cái còn lại, các mẫu tinh trùng được lưu giữ của cá thể tê giác trắng phương Bắc đực và các cá thể tê giác trắng Nam Phi cái để mang thai hộ.
MC Phan Anh từng tham gia chuyến đi với vai trò là đại sứ thiện chí của CHANGE vào năm 2016. Ảnh: CHANGE
“Tất cả chúng tôi tại Khu bảo tồn Ol Pejeta đều cảm thấy rất buồn trước cái chết của Sudan. Nó là một chú tê giác đáng kinh ngạc, một đại sứ tuyệt vời cho giống loài của mình. Sudan sẽ được tưởng nhớ vì những việc nó đã làm trong việc nâng cao nhận thức toàn cầu về nguy cơ tuyệt chủng của không chỉ tê giác mà rất nhiều những loài vật khác đang phải đối mặt; như một hậu quả từ những hành vi của con người” - Giám đốc Khu bảo tồn Ol Pejeta - Richard Vigne chia sẻ.
Giám đốc Khu bảo tồn Ol Pejeta - Richard Vigne nói thêm: “Một ngày nào đó, sự hy sinh của nó sẽ trở thành một khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho công tác bảo tồn trên toàn thế giới”.
“Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng thế giới sẽ học được từ sự ra đi của Sudan và áp dụng mọi biện pháp để dừng việc buôn bán sừng tê. Trong khi giá sừng tê đang giảm tại Trung Quốc và Việt Nam, nạn săn bắn trộm vẫn là một mối đe dọa cho loài tê giác” - Giám đốc WildAid - ông Peter Knight nói.
Được biết Sudan trở thành đại sứ toàn cầu đại diện cho loài tê giác, xuất hiện trong những bộ phim tư liệu và các chiến dịch giáo dục cộng đồng với mục đích giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê của WildAid.
Từng tham gia chuyến đi của đại sứ thiện chí CHANGE/WildAid Vietnam tại Kenya, châu Phi vào năm 2016, MC Phan Anh nói anh rất buồn khi nhận được tin về cái chết của Sudan.
Anh chia sẻ: "Tôi gặp Sudan hai năm trước trong một buổi chiều gió nhẹ tại Khu bảo tồn Oi Pejeta. Lúc đó, dù mới là lần đầu gặp nhau nhưng không hiểu sao tôi có một mối đồng cảm sâu sắc với anh chàng cá thể tê giác trắng miền Bắc cuối cùng này. Khi nghe tin Sudan chết, tôi cũng không biết làm thế nào để diễn tả hết cảm giác bất lực trong lòng, ngay cả một lời xin lỗi thay cho loài người tôi cũng không thể cất lên. Tôi có chút hy vọng, biết đâu đó trên thế giới này sẽ còn tìm thấy những cá thể cùng giống loài với cậu. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ của mình và mong chúng có cơ hội được gặp cậu, nhưng điều đó đều đã không thể được nữa vào giờ phút này".
Một trong ba con tê giác trắng Bắc Phi cuối cùng, “Sudan” - tê giác đực 42 tuổi, con đực duy nhất còn lại trong
loài. Ảnh: CHANGE
"Sudan đã vĩnh viễn không thể trở lại! Nỗi đau này vô cùng khôn xiết trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong hai quốc gia tiêu thụ sừng tê nhiều nhất trên thế giới. Thêm một loài nữa bị tuyệt chủng. Nhưng cái chết của cậu sẽ không vô nghĩa. Nó sẽ là những hồi chuông cuối cùng để thức tỉnh nhận thức của cộng đồng phải chung sức bảo vệ quyền sống của động vật hoang dã, không thể chậm hơn! Yên nghỉ nhé, anh bạn tôi!" - MC Phan Anh tâm sự.