Mê ăn gỏi cá, coi chừng 'rước' sán vào người

Khảo sát mới đây của Bộ Y tế cho thấy nhiều người ở khu vực phía Bắc bị bệnh sán lá gan nhỏ, trong khi khu vực phía Nam rất hiếm bị bệnh này. Đây là thông tin được BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết.

Theo BS Mẫn, ăn gỏi cá sống hoặc cá nấu chưa chín kỹ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sán lá gan nhỏ. Sán này có trong các loại cá đồng như chép, rô, trôi, mè, diếc...  “Khi ăn thức ăn có chứa ấu trùng sán lá gan nhỏ (đang ở giai đoạn có khả năng gây nhiễm), ấu trùng sẽ theo thức ăn xuống dạ dày và tá tràng. Sau đó, ấu trùng chui lên đường mật và khu trú tại các nhánh dẫn mật trong gan. Vài tháng sau ấu trùng phát triển thành sán lá gan nhỏ trưởng thành và có thể tồn tại trong gan từ 20 năm đến 25 năm” - BS Mẫn nói.

chu trình gây bệnh của sán lá gan nhỏ

Chu trình gây bệnh của sán lá gan nhỏ. (Hình internet)

Khi đã vào được cơ thể người, trứng của sán lá gan nhỏ được tạo ra và theo đường dẫn mật đi xuống ruột, sau đó được thải ra môi trường theo phân. Một số loài ốc ăn trứng này và trứng phát triển thành ấu trùng đuôi (vĩ trùng), sau đó nó rời khỏi ốc tìm đến các loài cá nước ngọt, cá đồng nói trên để phát triển thành nang ấu trùng nằm trong các thớ thịt cá. "Điều này lý giải vì sao những người có thói quen ăn cá sống (gỏi cá) hoặc cá nấu chưa chín rất dễ bị bệnh sán lá gan nhỏ” - BS Mẫn giải thích.

Cũng theo BS Mẫn, sán lá gan nhỏ ký sinh ở các ống mật nhỏ trong gan. Khi có quá nhiều sán, chúng phá hủy nhu mô gan và ký sinh ở tổ chức gan. Sán này thường bám chặt vào ống mật và sống bằng cách thẩm thấu các chất dinh dưỡng từ dịch mật của vật chủ. Do sán bám chặt vào ống mật để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan tỏa và thoái hóa mỡ. Độc tố do sán tiết ra có thể gây dị ứng, thiếu máu.

“Trong trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ với số lượng ít thì không có triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên, nếu nhiễm sán lá gan nhỏ với số lượng nhiều thì người bệnh có các biểu hiện chán ăn, đau vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón... Bên cạnh đó, toàn thân người bệnh có thể phát ban, nổi mẩn. Trong trường hợp nặng người bệnh đau vùng gan nhiều hơn kèm thiếu máu, vàng da, viêm gan cổ trướng” - BS Mẫn nói.

Sán lá gan nhỏ dài khoảng 10-12 mm, thân dẹt, màu đỏ nhạt. Sán có hai miệng hút ở phía trước và phía sau. Sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái.

Trứng của sán lá gan nhỏ có kích thước rất nhỏ, hình bầu dục, màu vàng sẫm. Vỏ trứng mỏng, nhẵn, có đường viền kép.

Để phòng bệnh sán lá gan nhỏ, không nên dùng phân tươi để nuôi cá, bón ruộng. Điều quan trọng là không ăn gỏi cá hoặc cá chưa nấu chín.

 

Nghiên cứu gần đây của Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương cho thấy do tập quán ăn uống cũng như sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao trong cộng đồng. Trong đó, riêng bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện tại 32 tỉnh, thành. Một số địa phương có tỉ lệ nhiễm sán lá gan cao là Nam Định, Hòa Bình, Hà Nội…

 

Mê ăn gỏi cá, coi chừng 'rước' sán vào người ảnh 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm