Theo hồ sơ, mẹ của bà Cẩm có 5.000 m2 đất ở huyện Thoại Sơn (An Giang). Năm 1984, bà này cho người em gái (tức dì của bà Cẩm) mượn 36 m2 đất để xây nhà ở. Năm 1995, con trai dì của bà Cẩm bán mảnh đất trên cho người khác nên hai nhà xảy ra tranh chấp.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, tháng 4-1997, UBND huyện Thoại Sơn đã bác đơn khiếu nại của mẹ bà Cẩm, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất cho dì của bà Cẩm. Bà Cẩm thay mẹ tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh. UBND tỉnh bác yêu cầu đòi đất nhưng buộc người dì phải bồi thường thành quả lao động cho bà Cẩm. Không đồng ý, bà Cẩm khởi kiện.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang đã bác yêu cầu của bà Cẩm. Theo tòa, UBND tỉnh yêu cầu dì bà Cẩm bồi thường thành quả lao động cho bà Cẩm là không chính xác bởi bà Cẩm chỉ là người được mẹ ủy quyền chứ không phải chủ đất để tranh chấp. Tuy nhiên, khi tòa đưa vụ án ra thụ lý, mẹ của bà Cẩm đã chết, bà cũng chưa tranh chấp về việc này nên không cần thiết phải hủy quyết định mà chỉ nhắc để UBND tỉnh rút kinh nghiệm.
Trong phiên phúc thẩm mới đây, Tòa nhận định trong quá trình hòa giải cũng như khi đưa vụ án ra xét xử, UBND tỉnh và TAND tỉnh An Giang đã bác bỏ yêu cầu của bà Cẩm là có thiếu sót. Hơn nữa, việc TAND tỉnh An Giang cho rằng bà Cẩm không có quyền để đứng ra tranh chấp đất với người dì sau khi mẹ mất cũng không có căn cứ và trái pháp luật (thừa kế quyền và nghĩa vụ). Vì vậy, cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh An Giang giải quyết lại.
NGỌC THÂN