Ở đó có một câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, về sức mạnh nội tâm đã giúp một người phụ nữ nhiều năm sống trong cảnh nghèo khó, bần hàn nhưng vẫn vững vàng chăm sóc đứa con tật nguyền của mình.
Chị không thể nhớ được quãng đường mình đã đi từ nhà đến bệnh viện, nơi điều trị cho con mình suốt bao nhiêu năm tháng. Con chị, cậu bé Trần Hoàng Dương mắc bệnh bại não thể múa vờn bẩm sinh. Để đến được nơi chữa bệnh, hai mẹ con bìu ríu nhau ra đến cổng làng. Nhà chị nghèo đến nỗi không có cả một chiếc xe đạp để di chuyển. “Tôi và con cứ đứng ở đó, gặp xe nào thì vẫy xin họ đi nhờ. Có hôm có người tốt bụng cho đi, có hôm hai mẹ con phải đi bộ. Ngày nắng cũng như ngày mưa” - chị kể.
Một thời gian sau, hai mẹ con được chị gái cho chiếc xe đạp cũ. Hành trình từ nhà đến nơi điều trị cho con đã ngắn hơn. Nhưng hạnh phúc từ tài sản có giá trị đó không ở lại lâu được với hai mẹ con khi bị tai nạn trong một lần đi chữa trị. Người phụ nữ lực điền đang phải cáng đáng quá nhiều việc gia đình bị xe tông ra tới 10 m, rạn xương sọ. Những ngày sau đó, khi chị nằm một chỗ thì người chồng thay chị đưa con đến nơi điều trị. Có những lúc chị đã dường như tuyệt vọng, tuyệt vọng vì số phận trêu đùa và đày ải gia đình mình nhiều quá. Cuộc sống khó khăn nhưng tai họa lại đổ dồn lên căn nhà gieo neo khốn khó. Nhưng mỗi lần nghĩ đến đứa con kém may mắn của mình, chị lại nghĩ cần phải nghị lực hơn, phải cố gắng hơn để con có điểm tựa mà bước tiếp.
Dường như biết được sự vất vả của cha mẹ, Hoàng Dương đã tự mình cố gắng vận động để có thể tự lập trong một số công việc. Đôi bàn tay yếu đuối không thể cầm nắm, Dương tập vận động chân để thay thế điều đó. Những ngón chân sinh ra không phải để cầm nắm giờ được Dương bắt phải làm quen với các hoạt động của bàn tay. Lần đầu tiên thấy con tập thao tác trên đôi chân, từ những ngượng ngùng thất bại cho đến khi thuần thục thành công, không biết bao lần chị đã rơi nước mắt vì thương con.
Có những đêm, khi cả nhà đang say giấc Dương rón rén gọi mẹ dậy: “Mẹ ơi, cho con uống thuốc và tập cho con đi, con đau lắm. Nó nói nhỏ lắm vì sợ cha và các anh chị nghe thấy mất ngủ” - chị kể lại. Nói tới đây, hai hàng nước mắt chị nhỏ xuống: “Tôi thương con lắm, thấy lòng mình như thắt lại, cố gắng không để con biết mình cũng buồn lắm nhưng không hiểu sao nước mắt nó cứ rơi, rơi xuống cả người nó. Nó còn ngây ngô bảo mẹ ơi mưa à!”.
“Giờ cháu có thể tự dùng đôi bàn chân sắp xếp đồ chơi, làm một số việc mà đáng lẽ nó thuộc về tay. Tôi mừng lắm, vui lắm!” - chị nói.
Niềm vui nhân lên khi gia đình chị được một dự án hỗ trợ bác sĩ, chuyên gia về phục hồi chức năng đến tận nhà thăm khám, tập cho cháu, hướng dẫn cho anh chị cách tập luyện cho cháu. Nhờ đó mà hai vợ chồng có thể tự tập được cho cháu tại nhà ngoài thời gian ở trung tâm, không còn phải nện gót chân trên hành trình dài từ nhà đến trung tâm nữa (ảnh).
Chỉ chừng đó thôi, chị đã thấy đời mình và con đổi thay, nhiều tin yêu và hy vọng hơn.