Mẹ song thai không tiêm vaccine suýt chết vì nhiễm COVID-19

Bác sĩ (BS) Hồ Viết Thắng, Trưởng khu K1 (khu điều trị COVID-19) Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM), kể về bệnh nhân L, sinh năm 1994, nhà ở quận 12, mang song thai thụ tinh trong ống nghiệm. Người mẹ chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì sợ tiêm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Hai bé song sinh được chăm sóc tại BV Hùng Vương. Ảnh: THIÊN CHƯƠNG

Nguy kịch do không tiêm vaccine ngừa COVID-19

Theo BS Thắng, bệnh nhân được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 từ ngày 1-11 và được điều trị tại một điểm thu dung. Đến ngày 8-11, bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt, ho, khó thở nên được chuyển đến BV Hùng Vương.

Tại đây, chị L được cho thở ôxy qua chụp mũi, dùng thuốc kháng đông, kháng virus. Ngày 9-11, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến xấu, khó thở tăng dần, SpO2 giảm. Thai phụ được chuyển sang thở ôxy lưu lượng cao và có cải thiện ban đầu, tuy nhiên đến tối cùng ngày thì diễn tiến nặng hơn, SpO2 liên tục giảm, thở gấp, thai phụ được chuyển sang thở máy. Đến rạng sáng 10-11, sức khỏe của thai phụ có cải thiện nhưng cả hai thai nhi xuất hiện tình trạng nhịp tim giảm. Êkíp trực chẩn đoán các bé bị suy tuần hoàn nhau thai do mẹ bị COVID-19 nguy kịch.

Cuộc hội chẩn khẩn với lãnh đạo BV được tiến hành lúc rạng sáng và đi đến quyết định mổ sinh. “Chỉ trong vòng 10 phút sau khi được lãnh đạo BV thống nhất, chúng tôi đã tiến hành ca mổ ngay tại khu K1. Hai bé trai có cân nặng mỗi bé khoảng 1,6 kg đã chào đời an toàn và được chuyển đến Khoa nhi để được chăm sóc. Cả hai âm tính với virus SARS-CoV-2” - BS Thắng nói.

Sau phẫu thuật bắt con, chị L phải tiếp tục thở máy trong năm ngày. May mắn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân dần cải thiện. Đến chiều 16-11, bệnh nhân đã được cai máy thở.

Về sức khỏe của hai bé, BS CK2 Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng Khoa sơ sinh, cho biết do sinh thiếu tháng nên cả hai bé đều phải được chăm sóc đặc biệt. Vừa ra khỏi cơ thể mẹ, cả hai không thể tự thở nên được bóp bóng, đặt nội khí quản từ phòng mổ, sau đó thở máy tại Khoa sơ sinh trong 48 tiếng. Các bé cũng phải được điều trị suy hô hấp bệnh màng trong non tháng. Đến nay, sau một tuần nằm lồng kính chăm sóc và theo dõi, sức khỏe của hai bé đã cải thiện.

Tiêm vaccine, hiệu quả rõ rệt!

Đây không phải là trường hợp duy nhất nguy kịch do nhiễm virus SARS-CoV-2 khi mang thai do thai phụ không tiêm vaccine phòng bệnh. PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cảnh báo tình trạng rất đáng báo động và rất đau lòng bởi nhiều thai phụ mang thai quý, thai hiếm trở nặng, nguy kịch vì nhiễm virus SARS-CoV-2. Tất cả đều không tiêm ngừa.

Còn theo BS Hồ Viết Thắng, Trưởng khu K1, người trực tiếp chứng kiến nhiều trường hợp thai phụ vật vã vì nhiễm COVID-19, khi mắc COVID-19, bệnh diễn tiến rất nặng và rất nhanh. Cụ thể như trường hợp trên, chỉ cần chậm xử trí là cả mẹ lẫn con đều có thể đối diện với khả năng xấu nhất. “Để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra, chúng tôi khuyến cáo các thai phụ nên sớm tiêm ngừa. Với trường hợp phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, thai phụ nên đến khám tại BV có chuyên khoa sản để được khám kỹ cả mẹ lẫn thai nhi” - BS Thắng nói.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, không thể phủ nhận hiệu quả cũng như lợi ích từ việc tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Thực tế, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn, ít có biểu hiện trở nặng. Nhiều bệnh nhân tiêm đủ hai mũi khi mắc COVID-19 sẽ không xuất hiện triệu chứng, có thể tự điều trị tại nhà.

“Đáng chú ý, những người đã tiêm vaccine khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa tiêm nên ít dẫn đến tử vong” - ông Phu nói, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan khi đã tiêm vaccine vì có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng.

“Tiêm chủng không phải là lá chắn tuyệt đối giúp mọi người miễn nhiễm với dịch bệnh, người dân không được chủ quan khi đã tiêm vaccine mà phải luôn thực hiện 5K cùng các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế” - PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhấn mạnh.

Bệnh nhân dù đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi nhiễm bệnh vẫn được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh nhân không triệu chứng sau 10 ngày điều trị nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được xuất viện.

Bệnh nhân có triệu chứng, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì sau 14 ngày được ra viện. Những trường hợp có triệu chứng mà xét nghiệm nồng độ virus còn cao thì điều trị tới 21 ngày, sau khi về phải cách ly một tuần theo đúng quy định của Bộ Y tế.

(Nguồn: Bộ Y tế) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm