Chiều 13-11, tin từ Sở Y tế Bình Thuận cho biết, đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế mang theo 4.800 test nhanh cùng 2.000 bộ trang phục, khẩu trang và một số trang thiết bị y tế lên tàu cao tốc để hỗ trợ khẩn cấp cho huyện đảo Phú Quý.
Dự kiến trong tối nay, đoàn y bác sĩ do một Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận dẫn đầu sẽ đến đảo Phú Quý.
Huyện đảo Phú Quý sau gần 2 năm không có ca nhiễm COVID-19, chỉ trong 2 ngày đã có hơn 40 ca mắc COVID-19 và nghi nhiễm.
Tàu cao tốc Phan Thiết-Phú Quý (ảnh minh họa).
Theo ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, ca nhiễm đầu tiên vào ngày 11-11. Huyện này đã họp khẩn cấp, phong tỏa khu vực Gò Mây, Triều Dương, Tam Thanh. Qua test nhanh 943 người có 905 người âm tính và 38 người dương tính đều ở Triều Dương, Tam Thanh. Đến trưa 13-11 phát hiện thêm 1 ca F0 ở xã Ngũ Phụng.
Theo UBND huyện đảo Phú Quý, ban đầu phát hiện ổ dịch ở Gò Mây (từ người thuyền viên) nhưng qua truy vết phát hiện ổ dịch lớn ở khu sửa chữa tàu thuyền. Dịch có thể xuất phát từ khu sửa chữa tàu thuyền tại thôn Triều Dương rồi lây lan đến Gò Mây. Hiện đã lây lan vào trường học và đã có thầy cô giáo, học sinh nghi nhiễm, thậm chí đã lây lan đến xã Ngũ Phụng.
Huyện này đã tiến hành phong tỏa toàn bộ xã Tam Thanh, phong tỏa khu sửa chữa tàu thuyền theo hướng "nhà ai nấy ở" và bố trí lực lượng tình nguyện viên giao hàng.
Hiện đã đưa 41 F0 vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và cách ly theo dõi gần 50 trường hợp F1.
Một góc đảo Phú Quý.
Đảo Phú Qúy là địa bàn nhỏ, xã hội mang tính cộng đồng rất cao, người dân thường xuyên qua lại tiếp xúc nên nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, điều kiện y tế trên đảo từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chống dịch lại hạn chế.
Huyện đảo Phú Quý kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận hỗ trợ nhân lực để xét nghiệm toàn dân trên đảo vì huyện chỉ có 92 cán bộ chuyên môn nhưng đã phân về khu điều trị, tổ truy vết, tổ xét nghiệm, không còn cán bộ chuyên môn. Đối với lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo do tàu hàng vận tải vẫn hoạt động.