Mệnh lệnh từ trái tim của ca ghép tạng xuyên Việt

Ngày 18-3, gần tròn một tháng kể từ ca ghép tạng xuyên Việt được tiến hành (vào ngày 26-2), các y bác sĩ BV Chợ Rẫy mới thở phào nhẹ nhõm khi sức khỏe người nhận tim và thận (được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép) đang dần hồi phục và ổn định.

Các y bác sĩ BV Chợ Rẫy, TP.HCM chia sẻ về ca ghép tạng căng thẳng. Ảnh H.LAN

Chạy đua với thời gian

Tại buổi họp báo tổ chức tại BV Chợ Rẫy sáng nay (19-3), các y bác sĩ tham gia ekip điều phối vận chuyển và phẫu thuật ca ghép tạng đã có những chia sẻ về quá trình gay cấn kể từ lúc đón nhận phần thân thể của người cho trao cho người nhận.

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy nhớ lại đã từng nhiều lần nhận điện thoại về các trường hợp hiến tạng nhưng chưa bao giờ hồi hộp đến thế khi người cho lại nằm tút ở Hà Nội.

“Hai bệnh nhân chờ ghép tạng rất nghèo, nếu đưa ra Hà Nội phẫu thuật thì chi phí sẽ đội lên cao, bệnh nhân không kham nổi”, BS Thu kể lý do trao đổi với BV Trung ương Quân đội 108 vận chuyển tạng vào TP.HCM để thực hiện ghép.

Tuy nhiên, đây là quyết định mạo hiểm bởi quả tim chỉ có thời gian bảo quản 6 tiếng và thận chừng 10 tiếng, nếu quá trình vận chuyển gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến sẽ thành vô nghĩa. Lập tức, các y bác sĩ đã lên phương án dự liệu nhiều tình huống xảy ra để đảm bảo đưa tạng về bệnh viện đúng giờ. Nhiều đường dây đã được nối máy đến lực lượng an ninh của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cảnh sát giao thông ở hai nơi.

PGS-TS-BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, BV Chợ Rẫy nhớ lại: “Ban đầu tim và thận tính đi cùng nhưng quả tim được lấy ra đầu tiên và thời gian chỉ cho phép chừng 6 tiếng nên phải chuyển đi ngay khi vừa rời lồng ngực người được cho. Thận được lấy sau cùng nên tim không thể chờ thận được. Song song đó, ở BV Chợ Rẫy tiến hành xét nghiệm máu của người cho và người nhận để khi quả thận vào là chuẩn bị tiến hành ghép. BS Dư Thị Ngọc Thu trực tiếp ra Hà Nội để nhận quả thận về”.

Bệnh nhân nam hiện đã dần hồi phục và đi lại được. Ảnh: HLAN

BS CK2 Phạm Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, người trực tiếp ra Hà Nội để nhận quả tim cho hay thời gian thiếu máu của tim chỉ cho phép giới hạn 6 tiếng nên ai nấy đều căng như dây đàn. Do quãng đường từ bệnh viện đến sân bay Nội Bài khá xa nên phải mất một tiếng rưỡi từ lúc lấy được tim ở BV Trung ương Quân đội 108, đoàn mới lên được sân bay. Trong quá trình đó, chính xác hai tiếng đồng hồ, quả tim phải được bơm dung dịch bảo vệ.

“Chúng tôi là những hành khách cuối cùng lên chuyến bay. Rất may là máy bay bay đúng giờ không trễ chuyến. Trên máy bay, các tiếp viên đã dành sẵn chỗ cho chúng tôi. Khi đáp máy bay, chúng tôi không phải qua các thủ tục như các hành khách thông thường mà được xuống máy bay đầu tiên và lên xe cấp cứu chờ sẵn ở cầu thang lên máy bay”, BS An kể sự hỗ trợ hết mình của sân bay.

Dường như ai cũng hiểu sự thiêng liêng của sự sống khi đang được trao đi. Mọi chuyện chưa hết căng thẳng khi giờ đáp máy bay xuống TP.HCM là 4 giờ, sát giờ tắc đường. Nhờ có sự dẫn đường của hai xe đặc chủng của Công an TP.HCM, quả tim chỉ mất chừng 15 phút để về đến bệnh viện. Hai tiếng sau, quả thận cũng về tới bệnh viện tốt đẹp và được thực hiện ghép song song với ca ghép tim.

Đón nhận tạng của người cho từ Hà Nội mang vào TP.HCM...

Sự góp sức của nhiều ngành

Tại đây, chỉ chờ quả tim về tới, các y bác sĩ phòng mổ lập tức đón nhận để tiến hành ca ghép. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị đã diễn ra rất khẩn trương từ lúc nhận tin bệnh nhân được cho tạng trước đó hai ngày.

BS Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Gây mê hồi sức bệnh viện cho biết khi nhận tin khá lo lắng, dù rơi vào thứ bảy, chủ nhật nhưng các y bác sĩ đều gác mọi việc riêng tư để tập trung cho ca ghép tạng xuyên Việt có một không hai. “Nguồn tạng hiến cực kỳ quý hiếm, chúng tôi xác định đây là mệnh lệnh từ trái tim”, BS Đông chia sẻ.

Sau đó, tổng cộng 30 y bác sĩ, kỹ thuật viên đã được huy động tham gia hai ca mổ. Mặc dù bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện nhiều ca ghép tạng nhưng đây là lần đầu tiên được nhận tạng từ miền Bắc chuyển vào ghép. Kinh nghiệm ghép tạng xuyên Việt lần đầu đã cho ekip rất nhiều bài học để sẵn sàng cho các ca ghép tương tự tiếp theo.

“Trước đây, khi chuẩn bị ghép tạng, chúng tôi thường chuẩn bị cả nửa tháng nhưng sự việc đến đột xuất nên phải cố tăng tốc để đảm bảo ca ghép tạng diễn ra tốt đẹp. Khi quả tim lên được đưa lên máy bay là trong này bệnh nhân được đưa vào chuẩn bị gây mê hồi sức phẫu thuật”, BS Đông chia sẻ.

Bệnh nhân nữ được ghép thận sức khỏe hiện ổn định. Ảnh: H.LAN

Song song đó, một lượng lớn máu và chế phẩm cũng được huy động gấp rút phục vụ cho hai ca mổ. TS-BS Lê Hoàng Oanh, PGĐ Trung tâm Truyền máu của bệnh viện cho biết: “Máu rất cần thiết cho phẫu thuật, nếu phẫu thuật nhỏ trong thời gian ngắn, bệnh nhân không mất máu nhiều nhưng phẫu thuật lớn kéo dài thì bệnh nhân sẽ mất máu nhiều dẫn đến rối loạn đông máu, nếu không chuẩn bị sẵn sẽ rất khó khăn, thậm chí cuộc ghép không thành công”.

Vì vậy, nghe tin có người hiến tạng, ekip liền chuẩn bị số lượng máu và chế phẩm máu để chiếu xạ phục vụ ca ghép tạng. Một điều may mắn là sau Tết lượng máu khá dồi dào có đủ để phục vụ.

Trái tim đã đập trong lồng ngực mới sau khi trải qua ca ghép từ lúc 2 giờ rưỡi chiều đến 9 giờ rưỡi đêm và quả thận bắt đầu sự sống mới khi được ghép từ 8 giờ rưỡi tối đến 1 giờ đêm sáng hôm sau (27-2).

Cởi bỏ lớp áo khoác blouse trắng, các bác sĩ nâng ly chúc mừng ca phẫu thuật thành công là món quà vô giá mình nhận được trong kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam. 

Kết quả ban đầu đã khích lệ tất cả cán bộ ngành y tế không chỉ ở Chợ Rẫy...

BS CK2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ rẫy cho rằng để có sự thành công ngoài mong đợi của hai ca ghép tạng là sự nỗ lực không chỉ của nhân viên ngành y tế mà còn là sự góp sức của nhiều ngành như ngành hàng không, lực lượng công an. Điều này là minh chứng cả xã hội cùng quan tâm, sẵn sàng giúp nghĩa cử hiến tạng lan tỏa và phát triển.

“Trễ một, hai tiếng câu chuyện đã khác. Nói bao nhiêu cho vừa, nói như thế nào cho đủ, cảm xúc, lòng biết ơn của chúng tôi đối với nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng đã hồi sinh cuộc đời cho bệnh nhân, các cán bộ y tế và các ngành đã hiểu được ý nghĩa của việc trao đi mạng sống cho con người mà hỗ trợ hết mình.

"Lâu nay chúng ta kêu gọi mọi người hiến tạng nhưng có một tấm gương thực tế hơn ngàn lời nói. Tuy đây là kết quả ban đầu nhưng đã khích lệ tất cả anh em của ngành y tế không chỉ ở Chợ Rẫy và các bệnh viện khác cùng nhau phấn đấu phát triển và trong tương lai không xa, nguồn tạng hiến sẽ được trao đi nhiều hơn ”, PGS-TS-BS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy chia sẻ. 

Tri ơn anh quân nhân hiến tạng

Ngày 26-2-2018, tại BV Chợ Rẫy đã diễn ra quá trình đón nhận hai tạng (tim và thận) từ người cho chết não chuyển từ BV Trung ương quân đội 108. Ngay trong ngày 26-2, BV Chợ Rẫy đã tiến hành ghép thành công cho 2 bệnh nhân. Bệnh nhân nhận tim là nam (29 tuổi), bị bệnh cơ tim giãn nở, và bệnh nhân nữ (25 tuổi) được ghép thận do suy thận mạn giai đoạn cuối. 

Đặc biệt, đây là hai bệnh nhân có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng để kịp thời sử dụng quà tặng vô  giá này cũng như hỗ trợ cho bệnh nhân đang trong lúc thập tử nhất sinh, Ban lãnh đạo BV Chợ Rẫy đã tạm thời gác lại mọi chi phí cho hai cuộc ghép để tiến hành ghép cho hai bệnh nhân. Hiện nay, hai bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.

Thay mặt bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh nhân được hiến tạng tại bệnh viện, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV gửi lời cảm ơn và biết ơn chân thành đến gia đình người quân nhân đã hiến tặng nguồn tạng quý giá; BV Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã liên hệ để chuyển nguồn tạng; đơn vị hồi sức tích cực của BV Trung ương Quân đội 108 giúp hồi sức cho nguồn tạng; ekip ghép tim của BV Việt Đức phụ bảo quản nguồn tạng khi chuyển về TP.HCM; cảng hàng không sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, công an TP.HCM đã đón tiếp và giúp e kip di chuyển kịp thời cứu sống bệnh nhân thành công tốt đẹp. 

Đây được xem là ca ghép tạng xuyên Việt thứ 3 tại BV Chợ Rẫy nhưng là ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên nhận tạng từ miền Bắc và là ca ghép tim thứ hai tại bệnh viện Chợ Rẫy. Người hiến tạng là một quân nhân ở Hà Nội bị tai nạn giao thông và khó lòng qua khỏi, gia đình có nguyện vọng hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần. Ngoài tim, thận cho hai bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy, giác mạc, lá phổi, một quả thận khác của anh đã trao cơ hội sống cho hai bệnh nhân tại BV Trung ương Quân đội 108 và mang lại ánh sáng cho một bệnh nhân tại BV Mắt Trung ương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm