Bà Giang Ngọc Xuân (109 Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang đứng ngồi không yên sau khi nhận thông báo của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định yêu cầu thanh toán hơn 4,1 triệu đồng cho hóa đơn tiền nước kỳ tháng 6-2013. Nếu không đóng tiền đúng hạn, công ty sẽ ngưng cung cấp nước.
Tiền nước nhảy múa
Theo bà Xuân, gia đình bà chỉ có hai người và thường xuyên vắng nhà do phải đi học, đi làm. Mặt tiền căn nhà 109 được bà cho người thân thuê bán quần áo và họ dùng rất ít nước. “Bấy lâu nay nhà tôi chỉ tốn trung bình 200.000 đồng/tháng tiền nước” - bà Xuân cho hay và đưa ra xấp hóa đơn tiền nước còn lưu giữ nhiều tháng qua làm bằng chứng.
Chính vì thế, tháng 4-2013, bà không khỏi giật mình khi nhận hóa đơn tiền nước với số tiền tăng gấp 10 lần tháng trước đó, lên đến 2,2 triệu đồng. Dù rất thắc mắc nhưng do sợ cúp nước nên bà cũng đành cắn răng đóng tiền. Nhưng đến kỳ tiếp theo, bà phát hoảng thật sự khi biết phải đóng tới hơn 4,1 triệu đồng, dù gia đình vẫn xài nước bình thường.
Hóa đơn tiền nước kỳ 6-2013 của bà Giang Ngọc Xuân. Ảnh: MP
Ông Lê Anh Trung (12/29/18 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4) cũng thật sự choáng khi nhận được hóa đơn tiền nước kỳ tháng 5-2013 của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè với số tiền gần 22,5 triệu đồng. “Trong 10 kỳ liên tục trước đó, nhà tôi đóng tiền nước cao nhất chỉ 235.000 đồng, ít nhất là 150.000 đồng. Thế nhưng kỳ 5-2013, chỉ số nước nhảy vọt lên đến hơn 1.720 m3. Làm sao nhà tôi có thể xài lượng nước khổng lồ này chỉ trong vòng một tháng? Còn nếu đường ống bị rò rỉ thì 1.720 m3 nước đủ gây ngập, thậm chí làm sập căn nhà chỉ 32 m2 của tôi” - ông Trung bức xúc.
Khiếu nại không ăn thua
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều khu vực như quận 3, Bình Thạnh, Nhà Bè… Chẳng hạn, một cửa hàng bán rượu vang thuê mặt bằng trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) vừa nhận được thông báo phải thanh toán 1.051 m3 nước sinh hoạt với số tiền trên 13 triệu đồng. Một chủ khách sạn ở đường Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh) cũng nhận được giấy báo tiền nước “nhảy cóc”, từ 2 triệu đồng lên 4 triệu rồi 6 triệu đồng.
Điểm chung của các trường hợp này là phần thiệt thòi đều nghiêng về phía người dân. Chẳng hạn, sau một thời gian khiếu nại thì mới đây ông Trung đã bị… cắt nước, trong khi số nợ trên 22 triệu đồng vẫn treo lơ lửng.
Ông Phạm Chí Thiện, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè, giải thích: Khi nhân viên thấy chỉ số nước tăng bất thường sẽ cảnh báo cho khách hàng kiểm tra đường ống, nhưng trong những trường hợp trên thì… sự việc đã rồi. “Với nhiều trường hợp, chúng tôi xem xét hoàn cảnh khó khăn của người sử dụng nước để tính toán, giảm tiền nước. Riêng ông Trung thì chúng tôi không nhận được sự hợp tác nên đã ngưng cấp nước” - ông Thiện nói.
Nhưng với trường hợp của bà Xuân, qua kiểm tra, Công ty Cấp nước Gia Định xác định đường ống nước trong nhà bà không bị rò rỉ. Mang đồng hồ nước đi kiểm định thì đồng hồ vẫn chạy bình thường. Do vậy, công ty vẫn buộc bà Xuân phải thanh toán trên 4,1 triệu đồng tiền nước. “Dù có kiểm định nhưng tôi nghi ngờ đồng hồ chạy không chính xác. Đề nghị ngành nước sớm làm rõ để tránh thiệt hại cho người dân” - bà Xuân bày tỏ.
Làm gì để không mất tiền oan? Theo phòng Kỹ thuật, Tổng Công ty Cấp nước MTV Sài Gòn (Sawaco), đồng hồ nước là thiết bị đo lường, phải qua kiểm định mới được gắn cho khách hàng. Người dân có thể nhận biết đồng hồ đã được kiểm định qua tem của các cơ quan như Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực 3, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (Sở KH&CN TP.HCM). Khi nhận thấy lượng nước sử dụng tăng vọt, trước tiên người dân cần kiểm tra đường ống trong nhà có bị rò rỉ không (đặc biệt chú ý đến các thiết bị nước như bồn rửa, bồn cầu, máy nước nóng…). Cách đơn giản nhất là khóa tất cả vòi nước, nếu đồng hồ vẫn quay thì đường ống, thiết bị trong nhà đã bị rò rỉ, cần sớm sửa chữa, thay thế. Trường hợp nghi vấn đồng hồ chạy sai thì đề nghị đơn vị cấp nước kiểm tra, kiểm định và thay thế. |
MINH PHONG