Một thành phố sạch đẹp, văn minh thì không thể có các mẩu quảng cáo, rao vặt dán bừa bãi. Đây là lý do mà Hà Nội, Đà Nẵng quyết liệt xử lý các vi phạm này bằng cách phục kích bắt tại trận đối tượng, cắt số điện thoại của những thuê bao vi phạm… và cũng từ đó mà nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc khi TP.HCM không làm được như vậy. Rất nhiều con đường nhỏ, lớn ở TP.HCM vẫn còn nhan nhãn các mẩu quảng cáo, rao vặt trái phép như mua bán nhà đất, cho vay tiêu dùng, học Anh văn, vi tính, lắp đặt Internet, việc làm, cho thuê phòng trọ…
“Mấy cột điện gần Trường Tiểu học Đông Ba, đường Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận có mẩu quảng cáo “Bánh canh cua cách đó 20 m” thấy phản cảm quá!” - bà Nguyễn Thị Tâm, người dân địa phương đã gọi điện thoại đến Pháp Luật TP.HCM cung cấp thông tin. Sau khi đến nơi quan sát, PV đã cất công đi tìm nhưng không xác định được địa chỉ của quán. Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, Chủ tịch UBND phường 7, cho biết: “Thường thì khoảng 1-2 tuần, lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân xóa quảng cáo, rao vặt một lần nhưng vừa làm xong thì hôm sau lại có ai đó dán trở lại. Phường cũng muốn phục bắt mấy vụ này để xử lý triệt để nhưng không đủ lực lượng”.
Rao vặt trái phép ở góc đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: KP
Ông Nguyễn Văn Tấn, phường 3, quận Gò Vấp, phản ảnh: “Tụi nó dán công khai đầy đường có số điện thoại, địa chỉ liên hệ rõ ràng sao chính quyền không phạt nặng mà cứ phải đi theo tháo gỡ giùm tụi nó? Có lẽ vì chính quyền không kiên quyết xử lý nên đến biển báo giao thông bọn chúng cũng không chừa”.
Bạn Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Trước đây em đi phát tờ rơi quảng cáo cho một quán ăn mới khai trương ở ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng (quận 1) với tiền công 50.000 đồng/200 tờ. Khi phát xong em nhìn thấy mọi người vứt trắng cả đường khiến chị công nhân quét đường phải vất vả gom hốt. Ngẫm lại thấy mình làm điều không phải, em bỏ luôn nghề này”.
“Cô xuống mà coi, họ còn in lụa khổ như tờ lịch để quảng cáo buôn bán nhà đất treo đầy ra đường” - một bạn đọc ở đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức đã “chỉ điểm” vậy khi khi thấy PV chụp ảnh mẩu quảng cáo bẩn.
Dẹp ngay các quảng cáo bừa bãi Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh (TP.HCM), đã khẳng định chắc nịch vậy khi được hỏi “vì sao phường 26 không có mẩu rao vặt trái phép nào?”. Theo ghi nhận của PV, hẻm nhỏ hay đường lớn của phường 26 đều không hề có những quảng cáo bôi bẩn. Người có công lớn nhất trong việc này là các anh em bảo vệ tổ dân phố, các tài xế xe ôm. “Lên xe, gỡ hết mấy quảng cáo vừa dán!” - lời nói của anh Lê Hoàng Khánh, bảo vệ dân phố KP 5, phường 26, như một mệnh lệnh buộc Q. phải riu ríu lên xe để anh chở đi tháo gỡ những mẩu quảng cáo bán nhà đất mà Q. vừa dán lên cột điện. Lòng vòng hết bốn con hẻm, Q. cũng tháo hết 50 tờ quảng cáo được thuê dán với giá 200.000 đồng. Anh Khánh chia sẻ: “Hễ mình lơ là tuần tra là tụi nó dán ngay, nhất là những lúc vắng người vào giữa trưa, đêm khuya”. Một người dán quảng cáo trái phép bị buộc tháo gỡ ở phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: KP Chủ tịch UBND phường 26 nhớ lại: “Năm 2010, TP đã xác định quảng cáo, rao vặt trái phép là một trong sáu hành vi không văn minh cần phải loại bỏ. Ngay sau đó, phường liên tục huy động lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, thanh tra xây dựng… đi dọn dẹp mấy mẩu quảng cáo, rao vặt trái phép nhưng cứ dẹp xong lại bị họ dán tiếp. Phường đã chụp lại các số điện thoại ghi trong các mẩu quảng cáo, rao vặt rồi chuyển đến cơ quan chức năng tiến hành cắt số nhưng không thấy phản hồi nên cũng không biết kết cục thế nào. Giữa năm 2011, công an phường đã treo giải thưởng cho 39 bảo vệ tổ dân phố và cả những tài xế xe ôm ai bắt được đối tượng dán quảng cáo trái phép sẽ được thưởng 100.000 đồng, số tiền này lấy từ quỹ trích phần trăm xử phạt vi phạm hành chính của phường. Đồng thời, với việc thưởng thì cũng có việc phạt, nếu khu vực nào có tình trạng quảng cáo bôi bẩn thì bảo vệ dân phố phải tự mình tháo gỡ sạch sẽ. Tính từ đó đến nay, phường đã bắt tại trận 115 trường hợp nhưng chỉ xử phạt hơn phân nửa số người vi phạm. Số còn lại (là người làm thuê từ tỉnh lên hoặc là sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền nộp phạt) thì bị buộc đi tháo gỡ, xóa các rao vặt mà họ đã dán. |
NGUYỄN QUỲNH