Metro số 1: Đáp ứng kỳ vọng của người dân TP.HCM

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang là tâm điểm chú ý đối với người dân TP.HCM trong những ngày qua bởi hàng loạt sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của dự án.

Trong buổi lễ đón đoàn tàu metro đầu tiên về TP.HCM vào sáng 13-10, lãnh đạo và người dân TP cùng bày tỏ sự quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để đoàn tàu này chính thức vận hành trong năm 2021.

Sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức

Tham dự buổi lễ đón đoàn tàu metro đầu tiên của TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành TP.

Về phía Nhật Bản có ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.

Thông tin về tuyến metro số 1, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 77% tổng khối lượng. Với quyết tâm sẵn sàng đối diện và vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn của năm 2020, tập thể kỹ sư, công nhân đã nỗ lực đẩy mạnh thi công dự án và đạt được những kết quả quan trọng.

 “Việc nhập khẩu và vận chuyển thành công đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 là một trong các dấu mốc rất quan trọng của dự án, đánh dấu việc chính thức chuyển giai đoạn của dự án từ tập trung thi công xây lắp sang giai đoạn tiến hành thử nghiệm - vận hành”.

Theo ông Cường, trong thời gian tới, đoàn tàu sẽ được vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. Cụ thể, trong quý I-2021, vận hành thử nghiệm trong depot; dự kiến quý III-2021 vận hành thử nghiệm từ depot đến Bình Thái; quý IV vận hành thử nghiệm từ depot đến Tân Cảng. Cuối cùng là bước thử nghiệm toàn tuyến đồng bộ với 11 hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray...

“Từ thời điểm này, công tác sản xuất, kiểm tra và nhập các đoàn tàu tiếp theo về Việt Nam sẽ được tăng tốc theo tiến độ thực hiện của dự án” - ông Cường cho hay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, tại buổi lễ đón tàu metro. Ảnh: ĐÀO TRANG

Các lãnh đạo TP.HCM tham quan một toa tàu của metro số 1. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hướng về những cột mốc quan trọng tiếp theo

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ: “Tôi vui mừng khi tham dự lễ đón đoàn tàu đầu tiên của dự án tuyến metro số 1, một sự kiện mà người dân và cá nhân tôi đã trông đợi từ lâu. Tôi cho rằng sự xuất hiện của những toa tàu màu xanh “made in Japan” những ngày qua đã đem lại không ít háo hức cho người dân”.

Ông Phong cho biết dự án metro số 1 được TP đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của TP. Đây là dự án tiên phong của TP về đường sắt đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán về hạ tầng giao thông đô thị. Việc đón đoàn tàu đầu tiên sẽ đánh dấu cột mốc TP chuẩn bị đưa dự án vận hành khai thác vào cuối năm 2021.

“Trong bối cảnh dự án chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, tôi hoan nghênh nỗ lực của chủ đầu tư cùng các nhà thầu, tư vấn và toàn thể các chuyên gia, công nhân  đã vượt qua khó khăn và bám sát mục tiêu hoàn thành dự án” - ông Phong bày tỏ.

Ông Phong cho biết với ý nghĩa như trên, TP đã lựa chọn dự án là một trong những hoạt động tiêu biểu trong phong trào thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ xi, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ xiii của Đảng.

“Hôm nay, chúng ta đến đây không chỉ đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1, mà còn cùng nhau hướng về những cột mốc quan trọng tiếp theo của dự án. Đó là việc bàn giao các đoàn tàu tiếp theo và đảm bảo mục tiêu đưa dự án vào vận hành cuối năm 2021.

Theo đó, ông Phong đề nghị MAUR cùng các nhà thầu và tư vấn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. đồng thời thực hiện quản lý dự án đúng các quy định và tuân thủ chặt chẽ về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật để triển khai thi công dự án đảm bảo chất lượng. cùng đó là thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện dự án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phải báo cáo ngay cho TP để xử lý.

“TP sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa để tuyến metro số 1 hoàn thành đúng tiến độ đề ra” - ông Phong cho hay.

Xúc động khi thấy tàu metro

Ngay từ khi nghe thông tin tàu metro số 1 về nước, người dân chúng tôi rất vui. Chúng tôi càng xúc động hơn khi thấy tận mắt đoàn tàu metro này. Trong đêm tàu metro được đưa về depot Long Bình (quận 9) đã có rất nhiều người chờ đón tàu metro đi qua để được chiêm ngưỡng.

Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo TP và các đơn vị chức năng đã nỗ lực hết sức vì sự phát triển cho giao thông của TP. Tôi mong rằng tinh thần ấy tiếp tục được nhân lên để người dân sớm được thụ hưởng thành quả này. Người dân chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án metro số 1 và sẵn lòng ủng hộ TP làm các tuyến metro tiếp theo.

Anh NGUYỄN VIẾT GIANG, người dân quận 9, TP.HCM

Khó diễn tả bằng lời

Thật khó diễn tả bằng lời vì chẳng bao lâu nữa chúng ta được lưu thông bằng metro ngay tại TP của chúng ta. Mỗi ngày đi qua xa lộ Hà Nội và nhìn đường ray metro chạy dọc tuyến này, tôi thầm mong dự án nhanh chóng về đích để người dân được hưởng những thành quả bấy lâu chính quyền và người dân TP cùng nỗ lực.

Tôi chúc cho tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 sẽ luôn thuận buồm xuôi gió để đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Anh ĐÀO TRỌNG NHÂN, người dân quận Thủ Đức, TP.HCM

đang tăng tốc thi công dự án

Để hoàn thành kỳ vọng của người dân và TP là đưa tuyến metro số 1 vận hành vào năm 2021, chúng tôi đang tăng tốc thi công dự án. Hiện toàn dự án đang có hơn 3.200 công nhân luân phiên làm việc ngày đêm. Chúng tôi đang kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của dự án.

Metro số 1 là động lực để TP và MAUR phát triển những tuyến metro tiếp theo. Ngoài ra, chúng tôi đã được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm làm việc của các nước. Đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm tốt nhất cho việc triển khai tuyến metro số 2 tiếp theo.

Ông HUỲNH HỒNG THANH, Giám đốc Ban quản lý dự án 1,
Phó Ban MAUR
 

Tình hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản

Bày tỏ lời cám ơn tới Nhật Bản, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Thông qua nguồn viện trợ ODA, Nhật Bản đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có TP.HCM.

“Đến ngày người dân TP được đi trên những toa tàu được chế tạo tại Nhật Bản, vận hành bởi công nghệ và kỹ thuật Nhật Bản, tôi tin rằng tuyến metro số 1 sẽ tạo thêm nhịp cầu giao lưu giữa TP.HCM và Nhật Bản” - Chủ tịch UBND TP kỳ vọng.

Nhân dịp này, ông Phong thay mặt lãnh đạo TP trân trọng gửi lời cám ơn đến lãnh đạo các cấp của Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và các tổ chức, cá nhân Nhật Bản đã đồng hành cùng dự án trong suốt thời gian qua.

Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, bày tỏ: “Tôi rất vui mừng khi đoàn tàu đầu tiên được sản xuất bởi Hitachi của Nhật Bản đã về tới Việt Nam. Nhật Bản vô cùng coi trọng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực”.

Ông Takio cho biết phía Nhật Bản đang tích cực đẩy mạnh hợp tác từ hai phương diện như vốn và kỹ thuật để góp phần vào sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Takio, để đáp ứng sự kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư đã áp dụng kỹ thuật tối cao của Nhật Bản và có những điều chỉnh kỹ lưỡng, cẩn trọng khi thực hiện dự án metro số 1.

“Tôi tin tưởng rằng dự án này có thể góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường của TP.HCM, đồng thời đẩy nhanh hơn nữa sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19” - ông Takio kỳ vọng.

Thiết kế của toa tàu metro số 1

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban MAUR, cho hay giai đoạn 2014-2015, phiên bản mô hình đoàn tàu theo đúng kích thước thực tế đã được thiết kế, sản xuất tại Nhật Bản.

Giai đoạn này MAUR đã nhận được nhiều góp ý hữu ích từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân để tổng hợp, hoàn thiện thiết kế nội thất, ngoại thất của đoàn tàu. Trong đó có màu sắc trong và ngoài đoàn tàu, kiểu dáng đầu tàu, chất lượng và mẫu ghế ngồi, tay vịn…

Đoàn tàu được thiết kế có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điều khiển chạy tàu thông qua vô tuyến, hệ thống vận hành tàu tự động. Trên toàn tuyến có hệ thống theo dõi chạy tàu tự động.

Thân toa tàu được làm bằng hợp kim nhôm, toa tàu được trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ hành khách trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời trong toa tàu còn bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ, thân thiện cho người khuyết tật sử dụng; bố trí vị trí ngồi ưu tiên cho người già, phụ nữ mang thai...

Giai đoạn 2017-2019, nhà thầu Hitachi tiến hành sản xuất các bộ phận của đoàn tàu tại nhiều nhà máy ở Nhật Bản, tổ chức lắp ráp đoàn tàu thành phẩm tại Nhà máy Kasado, đồng thời tiến hành thử nghiệm, đảm bảo an toàn tuyệt đối các bộ phận và đoàn tàu hoàn chỉnh trước khi xuất xưởng theo đúng các tiêu chuẩn của dự án. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm