“Việc mở thêm cổng kết nối sân bay với bên ngoài phải được tính kỹ, dựa trên quy hoạch của sân bay, đặc biệt gắn với các nhà ga. Bên cạnh việc đảm bảo thuận tiện cho đi lại thì an toàn bay cũng không thể bỏ qua nên không phải muốn là mở cổng”. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nói với Pháp Luật TP.HCM trước các đề xuất mở thêm cổng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Phá cổng độc đạo của sân bay
Như chúng tôi đã thông tin, UBND quận Gò Vấp đề xuất trổ cổng ra/vào sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Quang Trung, ở gần điểm tiếp giáp với đường Thống Nhất.
Cạnh đó, quận Tân Bình cũng đề xuất mở thêm đường ra/vào sân bay từ đường Cộng Hòa để giảm tải cho đường Trường Sơn. Quận này cũng đề xuất một phương án khác là mở thêm nhà ga lưỡng dụng ở phía đường Hoàng Hoa Thám và mở thêm đường, thêm lối ra/vào sân bay từ khu vực này.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), cũng cho rằng việc mở thêm các hướng tiếp cận thay vì chỉ có một lối độc đạo ra/vào sân bay hiện nay qua đường Trường Sơn là cần thiết. Nó phải được tính toán trong việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.
Bình thường người dân “không thở nổi” khi qua đường Cộng Hòa thì việc mở cổng ra/vào sân bay từ đường này dễ khiến tuyến đường này càng thêm tắc nghẽn. Ảnh: MP
Không khéo sẽ chui vào điểm kẹt
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nếu mở cổng ở đường Hoàng Hoa Thám rồi dẫn ra đường Cộng Hòa hay mở trực tiếp ra đường Cộng Hòa thì việc ra/vào theo cổng mới này sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ các tuyến đường ở hướng nam của sân bay này như Cộng Hòa, Trường Chinh, khu vực Lăng Cha Cả… khi lưu thông bình thường đã quá đông đúc. Nếu mở thêm cổng mới ra/vào ở sân bay Tân Sơn Nhất thì không khác gì “dẫn vào lối kẹt”.
“Về chiến lược, tôi cho rằng mở ở hướng bắc sân bay, thông qua các đường Tân Sơn hay Quang Trung thuộc quận Gò Vấp sẽ phù hợp hơn. Ở hướng này có thể dễ dàng thoát theo quốc lộ 1 về Tây Ninh, các tỉnh miền Tây, miền Đông” - PGS-TS Tống phân tích.
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn bổ sung: “Xây thêm hai nhà ga T3 và T4 ở gần đường Hoàng Hoa Thám thì giải quyết được ách tắc bên trong sân bay. Tuy nhiên, đây là lựa chọn không phù hợp cho quy hoạch đô thị. Các tuyến đường ở hướng này đang kẹt xe thường xuyên nên khi có thêm hai nhà ga với lưu lượng khoảng 15 triệu lượt hành khách/năm thì tắc nghẽn sẽ nghiêm trọng hơn”.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Mở cổng ra/vào ở hướng đường Tân Sơn hay Quang Trung thì ổn song lại “vướng” sân golf. Tôi đề nghị tính toán thêm phương án thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay”.
Hoán đổi đất, thêm đường băng, tại sao không? Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, xây dựng sân bay Long Thành là việc làm trong tương lai. Vấn đề lúc này là tìm các biện pháp để nâng cao năng suất của sân bay Tân Sơn Nhất. “Tôi đề xuất tính đến phương án lấy đất chỗ hình tam giác ở phía bắc sân bay (nơi có sân golf) để xây nhà ga, làm thêm đường cất hạ cánh. Khi xây đường cất hạ cánh mà đụng đến nhà dân thì giải tỏa họ và hoán đổi về khu vực 21 ha đất nhà dân để thực hiện. Phương án hoán đổi này cần được tính đến vì theo phương án này có thể nâng năng suất sân bay lên hơn 60 triệu hành khách/năm”. KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đồng tình. Theo ông, các đơn vị liên quan cần tính đến phương án bồi thường cho nhà đầu tư sân golf rồi thu hồi đất để phục vụ cho việc nâng năng suất sân bay. Đất thu hồi sẽ được dùng để xây thêm nhà ga, làm đường băng và kết nối với bên ngoài. Đây là phương án tốt nhất cho quy hoạch đô thị sân bay. “Ở phương án này, đơn vị tư vấn cần lưu ý đến việc hoán đổi đất cho người dân và như thế kinh phí thực hiện sẽ giảm rất nhiều” - KTS Sơn nói. Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được thực hiện cho đồng bộ về khu bay, hệ thống nhà ga, đường giao thông tiếp cận. Tất cả phương án, kể cả thu hồi đất quân sự phía bắc, trong đó có sân golf để phục vụ hàng không dân dụng đều đang được tính toán để báo cáo trình cho Bộ GTVT và Chính phủ. |