Mô hình khu dân cư không rác

Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng khu dân cư không rác trên địa bàn TP.HCM. Chương trình có sự góp mặt của nhiều chuyên gia ngành môi trường, công ty dịch vụ công ích cùng đại diện của 24 quận/huyện trên địa bàn.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

TP.HCM là trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học của cả nước, là TP lớn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm cho TP phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư và nhiều vấn đề khác.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết năm 2012, Sở phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình khu dân cư không rác. Theo ông Thắng, để mô hình này đạt kết quả cao cần có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.

 
Lực lượng vệ sinh đang thu gom rác trên dòng kênh tại chương trình do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU

Đã từ lâu mô hình khu dân cư không rác được hình thành và đến nay nó đã phát huy tính hiệu quả. Tùy đặc điểm từng địa bàn mà mô hình này biến chuyển theo nhiều hình thái khác nhau. Song mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao ý thức người dân, giữ gìn khu phố, nhà cửa sạch sẽ, bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng ban Vận động khu phố 4, phường 6, quận 5, TP.HCM, cho hay năm 2009, khu phố 4 được UBND phường 6 chọn làm thí điểm để thực hiện mô hình khu phố không rác. Trong quá trình thực hiện, ban vận động khu phố đã tổ chức hội nghị thảo luận, thống nhất ý kiến thực hiện mô hình, đóng góp bản quy ước, tiêu chí xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp… Song song đó đưa ra nhiều biện pháp như tuyên truyền thông qua sinh hoạt dân phố, tọa đàm, chủ động phối hợp phường kiểm tra, biểu dương các hộ thực hiện tốt…

“Đến nay, tình hình vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị ở khu phố có những chuyển biến tích cực, ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt, các con hẻm, tuyến đường trên địa bàn khu phố xanh, sạch đẹp” - bà Lệ nói thêm. Với những thành công này, mô hình khu phố không rác được nhân rộng ở các khu phố còn lại trên địa bàn phường.

Cần nhiều giải pháp tuyên truyền phù hợp

Chính nhờ những hình thức tuyên truyền vận động, tổ chức phát thanh, dựng pano… mà khu phố 5, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM ngày càng trở nên sạch đẹp. Thông qua đăng ký ba tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, có 476 hộ gia đình, doanh nghiệp cùng ký cam kết bảo vệ môi trường, giữ gìn cây xanh, không để rác tồn đọng trong thời gian dài, không thả vật nuôi, phóng uế, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, ma chay… Các hộ dân dọc suốt 13 tuyến đường nội bộ đã tự tháo dỡ các kiến trúc vật chắn như cây kiểng, ghế đá…, trả lại lề thông hè thoáng cho người đi bộ.

Không chỉ nêu ra những cách làm chuẩn, hội thảo còn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những băn khoăn, vướng mắc để cùng suy nghĩ tìm ra giải pháp phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Chẳng hạn như xử lý các loại rác xà bần, bàn, ghế, tủ; tình trạng vứt rác xuống kênh; thu gom rác không đúng giờ để xảy ra tình trạng dồn ứ rác thải…

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, bày tỏ thực trạng công tác bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn việc bắt quả tang những hành vi xả rác; việc đeo bám, duy trì các chương trình tuyên truyền còn hạn chế; hình thức tuyên truyền chưa đa dạng; rác vẫn tràn lan ngoài đường…

Theo bà Khánh, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nêu cao vai trò của Sở TN&MT TP.HCM, đặc biệt trong việc tham mưu cho UBND TP trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm, phối hợp cơ quan khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm