Mở lại kênh bán hàng để hạ nhiệt giá rau, thịt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu ở yên đó”, người tiêu dùng chủ yếu mua lương thực, thực phẩm thiết yếu qua kênh đi chợ hộ và theo combo. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người dân, nhiều nhóm bán hàng hình thành qua mạng xã hội. Tuy vậy, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao khiến người dân gặp không ít khó khăn.

Giá cao, khó mua hàng

Bà Minh Thủy (nhà ở quận Tân Bình) kể do muốn mua đồ ăn như mì, thịt heo, rau… nên bà lên website của một siêu thị đặt hàng nhưng thấy thông báo không nhận nữa và hẹn qua hôm sau. Bà tiếp tục vào các nhóm mua hàng trên mạng thì thấy giá bán tăng cao hơn rất nhiều so với cách nay vài tháng.

Hàng loạt chợ truyền thống vẫn đóng cửa khiến người dân tiếp tục khó khăn trong việc mua thực phẩm thiết yếu. Ảnh: TÚ UYÊN

Ví dụ, trứng gà bán 35.000 đồng/chục; các loại thịt heo như sườn non, ba rọi rút sườn 220.000 đồng/kg. Đáng chú ý, một thùng mì gói có giá lên đến 120.000-140.000 đồng trong khi trước đây giá cao lắm cũng chỉ 98.000 đồng/thùng. Đó là chưa kể tiền ship tính theo app trong cùng quận lên đến 30.000-40.000 đồng. “Giá hàng loạt mặt hàng tăng quá cao, nhất là mì cao chót vót nên tôi không dám mua nhiều” - bà Thủy nói.

Tương tự, bà Hồng Hạnh (nhà ở quận Tân Phú) nói trong khi đời sống của người dân chật vật, mất việc làm, thu nhập giảm sút thì giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hằng ngày lại tăng chóng mặt. Điều này tạo thêm gánh nặng cho người dân. Chẳng hạn vừa qua bà mua hai thùng nước Lavie loại 500 ml tổng cộng hết 210.000 đồng.

Không chỉ phải mua hàng với giá cao, người dân vẫn khó tìm shipper và phải trả phí giao hàng có khi cao tương đương sản phẩm đặt mua. “Nhiều cửa hàng thực phẩm đã mở lại trên các ứng dụng giao hàng, đi chợ hộ… nhưng để có tài xế nhận thường phải mất 30-40 phút/đơn hàng, đó là chưa kể phí giao hàng có khi bằng với giá thực phẩm tôi đang đặt. Chẳng hạn, tôi mua một chai nước mắm giá 28.000 đồng nhưng chịu phí giao hàng 30.000 đồng” - chị Trần Lan (nhà ở quận Gò Vấp) dẫn chứng.

Không muốn tăng nhưng…

Bà Loan (nhà ở quận Tân Bình), một người bán hàng thực phẩm qua mạng, giải thích dù rất muốn giữ giá nhưng do nguồn hàng khan hiếm, mỗi ngày nhập về mỗi giá nên không thể không tăng 10.000-20.000 đồng mỗi mặt hàng.

“Ví dụ hồi giữa tháng 8, tôi nhập một thùng mì giá hơn 95.000 đồng, nay tăng lên trên 120.000 đồng, thậm chí có ngày lên đến 135.000 đồng/thùng. Nhập vào tăng thì bán ra phải tăng, nếu không sẽ lỗ” - bà Lan phân trần.

Đại diện một công ty sản xuất thực phẩm giải thích thêm, hiện nay nguyên vật liệu đầu vào tăng đến 30% so với trước đây, thậm chí một số nguyên liệu nhập khẩu tăng gấp đôi. Đó là chưa kể thời gian qua chi phí cho việc vận chuyển, thuê tài xế, xét nghiệm, xăng dầu… rất tốn kém.

“Trong quá trình sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, nếu có ca nhiễm F0 thì phải ngừng sản xuất ít nhất bảy ngày tùy mức độ lây nhiễm để khử khuẩn nhà xưởng, chờ bổ sung công nhân… Đây là những nguyên nhân dẫn đến giá hàng hóa tăng cao và thiếu hàng” - vị đại diện công ty trên lý giải.

Tìm cách bình ổn giá

Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, hiện nay ở một số tỉnh, thành, nếu doanh nghiệp (DN) không thực hiện “ba tại chỗ” thì phải ngưng hoạt động. Trong khi đó, những đơn vị này là nơi cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cá, tôm, rau củ… cho các công ty tại TP.HCM. Hệ quả là các công ty ở TP.HCM không thể sản xuất được, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Không những vậy, do nhiều công ty sản xuất những mặt hàng phụ trợ như thùng carton, thùng xốp, bao bì, nhãn mác… ở các địa phương không đưa lên TP.HCM được nên DN vô cùng khó khăn. Cộng thêm vào đó, nhiều lao động về quê nên không đủ lực lượng sản xuất, dẫn đến giảm công suất… “Giá cả là bài toán khó vì các DN không thể bán dưới giá sản xuất” - ông Dũng nói.

Để giải quyết bài toán này, ông Dũng cho rằng các DN cần Nhà nước hỗ trợ bằng cách miễn, giảm các loại thuế, phí; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, tái mở cửa các kênh cung ứng hàng hóa an toàn… Bên cạnh đó, các kênh phân phối hạ tỉ lệ chiết khấu cho DN sản xuất cung ứng vào siêu thị để giá cả đến người tiêu dùng có thể giảm được phần nào.

Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua theo dõi cho thấy giá thực phẩm có tăng hơn trước đây vì rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nhìn chung giá hàng hóa vẫn ổn định, đặc biệt là giá cả tại các kênh online, các kênh bán hàng của siêu thị lớn.

Cũng theo ông Phương, về giải pháp hỗ trợ cho nhóm ngành lương thực, thực phẩm, trước mắt TP.HCM sẽ bổ sung các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu; nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm. Đồng thời, TP sẽ mở thêm các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; mở cửa hoạt động an toàn đối với các chợ truyền thống trên địa bàn.•

 

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng mạnh

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,83% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,59%. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 8,33%, nhóm lương thực chế biến tăng 2,07%. Thịt gia súc tăng 2,57%. Trứng các loại tăng 7,38%. Thủy sản tươi sống tăng 4,99%.

Không được lợi dụng hạn chế đi lại để tăng giá

Sở Công Thương TP.HCM mới đây đã có công văn đề nghị các DN tuyệt đối không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá nhằm trục lợi.

“Trong điều kiện thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng vì dịch COVID-19, Sở Công Thương đề nghị DN áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa ngang bằng với mức giá trong khung giờ bình thường, trong thời gian chưa áp dụng giãn cách xã hội. Đồng thời, các DN không áp dụng mức giá giờ cao điểm” - đại diện Sở Công Thương TP.HCM  nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm