Bữa ăn bán trú chóng mặt với "bão" giá

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Giờ ăn của HS bán trú Trường tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa, HN. Ảnh: Bảo Anh
Liệu cơm "nấu" mắm

Trước "cơn bão" giá, từ học kỳ 2, nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa, HN đã phải tăng giá ngày ăn bán trú (gồm bữa trưa và bữa phụ) từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/HS; quận Ba Đình tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng. Trường tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, HN cũng tăng từ 7.000 đồng lên 9.000 đồng/ngày...

Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót, trước Tết, giá cả cũng đã tăng. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn của HS, các phụ huynh đã tính toán mỗi ngày phải tăng thêm 1.500 đồng (tức 8.500 đồng/ngày).

Nghĩa là, mỗi ngày ăn của HS, so với trước đây, cả trường sẽ tăng hơn 1 triệu đồng. Ra Tết, giá cả sẽ lại tăng tiếp, do đó, Ban phụ huynh nhà trường đã thống nhất thu 9.000 đồng/ngày để đảm bảo chất lượng bữa ăn vẫn được như trước.

Bảng báo giá rau mới nhất (ngày 18/2) của Trường tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa cũng có tỷ lệ tăng từ 40-60% tùy mỗi loại. Rau xu hào tăng từ 4.500 lên 7.000 đồng/kg; rau cải cúc từ 7.000 lên 10.000 đồng/kg; cải ngọt từ 5.000 lên 8.000 đồng; cải bắp từ 3.000 lên 5.500 đồng,... thịt lợn cũng tăng từ 62.000 lên 72.000 đồng/kg; thịt bò từ 70.000 lên 80.000 đồng/kg... Chính vì vậy, chất lượng bữa ăn của HS cũng có giảm, thầy Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Có hơn 1.500 HS, trong đó có 1.300 HS bán trú, giá cả hiện nay tăng cao nhưng nhà trường cũng cố gắng để bữa ăn HS đủ no, cân đối để không được thừa nhiều. Trước đây, giá rau thịt thấp hơn, bữa ăn có "xông xênh" hơn. Mỗi bữa vẫn đảm bảo đủ 3 món: thức ăn mặn, món xào và canh rau và món phụ là bánh Kinh Đô, Hải Hà. Cô Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu phó nhà trường cho biết, không cho HS ăn hoa quả do trời lạnh, sợ trẻ lạnh bụng.

Để tập trung vào dạy và học nên Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa, HN đã đặt cơm hộp cho HS. Từ 1 tháng nay, mức ăn cũng tăng từ 7.000 lên 9.000 đồng/ngày (trong đó, bữa chính 7.000 đồng, bữa phụ 2.000 đồng). Tất nhiên không thể nóng sốt như ở trường nấu, nhưng bữa ăn cũng tạm đủ để đảm bảo sức khỏe cho HS.

Một phụ huynh của Trường tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết, tuy chưa tăng giá tiền ăn mỗi ngày (8.000 đồng/ngày) nhưng những bữa cơm hộp của HS lại bị "rút" bớt món ăn, từ 4 món xuống còn 3 món kể từ khi giá cả leo thang.

Gia đình tăng cường bồi dưỡng

Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, HN cũng tăng lên 8.000 đồng/ngày từ tháng 1/2008, trong đó, bữa trưa là 6.500 đồng và quà chiều là 1.500 đồng. Theo cô Hiệu trưởng Phan Lan Phương, giá cả đắt đỏ cũng ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của HS, rau vẫn như trước còn thịt rút xuống một chút.

Đối phó với rét và giá cả, nhiều phụ huynh có con ở bậc mầm non, gia đình có điều kiện đã cho con nghỉ ở nhà đến hết tháng 2 này. Trường mầm non Việt-Bun, quận Hai Bà Trưng, HN chỉ có 1/3 số trẻ (khoảng 400 em) đến trường từ Tết ra. Hiệu trưởng Đặng Thị Sáu phân trần, số trẻ đi học chưa đủ nên trường vẫn chưa dám tăng tiền ăn. Với mức 8.000 đồng/ngày, số trẻ lại vắng nên chất lượng bữa ăn cũng kém.

Trường chủ trương chỉ dùng thực phẩm sạch nên giá cũng đắt hơn ngoài thị trường, cô Sáu cho biết. Rau bắp cải bên ngoài chỉ 5.000 đồng/kg nhưng trường mua rau sạch giá 8.000 đồng/kg. Do đó, khi trẻ đi đông đủ, từ tháng 3, trường dự định sẽ tăng lên 10.000 đồng/ngày.

Cũng "trăn trở" với giá khi thực phẩm được ký kết mua với các công ty lớn, Trường tiểu học Kim Đồng, Ba Đình, HN phải liệu thức ăn để chế biến phù hợp, vừa đảm bảo túi tiền, vừa đảm bảo chất cho HS.

Hiệu trưởng Võ Thị Oanh cho biết, trường rất cẩn thận trong việc chuẩn bị bữa ăn cho HS. Từ trước đến nay không để xảy ra chuyện mất an toàn thực phẩm. Tiền ăn được tăng lên 10.000 đồng/ngày nhưng bữa ăn vẫn như trước do giá tăng.

Bình thường, các trường đều đảm bảo bữa ăn cho HS là có món mặn, món xào và canh rau, nhưng trong "cơn bão" giá này, có những bữa phải rút bớt còn 2 món, có thể là món mặn làm cầu kỳ hơn và món canh nấu nhiều rau hơn. Còn với 3 món trên cũng được nấu đơn giản hơn, không được "xông xênh" như trước.

Theo Bảo An ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm