Sáng 16-8, TAND tỉnh Bắc Giang mở lại phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử bị cáo Vi Văn Phượng (51 tuổi, trú tại huyện Lục Nam) về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án chính là bà Nguyễn Thị Vui - mẹ ruột của bị cáo Phượng.
Đây là diễn biến tố tụng mới nhất của vụ án sau gần ba tháng HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.
Trước đó vào cuối tháng 5-2019, sau hai ngày xét xử, phiên tòa kết thúc phần tranh luận, bị cáo nói lời sau cùng để HĐXX vào nghị án. Tuy nhiên, thay vì tuyên án như dự kiến, chủ tọa Ngô Quang Dũng cho biết sẽ hoãn phiên xử để xác minh, thu thập những chứng cứ không thể thực hiện ngay tại tòa.
Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa ngày 16-8
Đúng 9 giờ 28 phút, bị cáo Vi Văn Phượng được lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải vào phòng. HĐXX gồm năm thành viên, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thay vì tiếp tục ngay vào phần xét hỏi, phiên tòa được tiến hành lại từ đầu. Chủ tọa Ngô Quang Dũng kiểm tra thông tin cá nhân, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.
Hiện đại diện VKS tỉnh Bắc Giang đang công bố nội dung bản cáo trạng…
Như PLO đã đưa tin, đây là vụ án còn rất nhiều khúc mắc khi bị cáo liên tục kêu oan. Tại tòa hồi tháng 5-2019, Vi Văn Phượng khẳng định mình bị điều tra viên tra tấn, ép cung, thậm chí là dọa bắt con trai để ép nhận tội. Tuy vậy, đối chất về vấn đề này, ông Trịnh Nguyên Lượng - điều tra viên vụ án, phủ nhận lời khai của bị cáo.
Các luật sư (LS) bào chữa cũng đưa ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh Vi Văn Phượng ngoại phạm tại thời điểm xảy ra vụ án. LS cho rằng Phượng không có lý do gì để ra tay sát hại mẹ mình. Bởi lời khai của các nhân chứng, hàng xóm cũng như chính Phượng đều cho thấy bị cáo là một người con có hiếu, luôn chăm lo cho mẹ. Việc vay vàng của bà Vui, Phượng đã trả trước khi vụ án xảy ra mấy ngày, do vậy không thể có chuyện bị cáo ra tay.
Cùng với đó, lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Linh, người cùng ngồi ăn cơm với Phượng cho biết có nhận được cuộc gọi từ vợ mình, khoảng 5-10 phút sau Phượng mới rời khỏi để về nhà.
Lịch sử liên lạc thuê bao của nhân chứng Linh cho thấy cuộc gọi trên được thực hiện vào lúc 11 giờ 10 phút 39 giây ngày 5-10-2012, với tổng thời gian cuộc gọi là bảy giây. Cũng theo kết quả thực nghiệm hiện trường, thời gian di chuyển từ nhà ông Trường về nhà Phượng nhanh nhất là 13 phút 6 giây, chậm nhất là 16 phút. Nếu cộng thêm khoảng thời gian này, thời điểm Phượng có mặt ở nhà sớm nhất cũng là 11 giờ 29 phút 6 giây.
“Như vậy, với những căn cứ trên, Vi Văn Phượng không thể có mặt tại nhà lúc 11 giờ 15 để thực hiện hành vi giết mẹ đẻ của mình như cáo trạng đã quy kết” - LS khẳng định.
Tương tự, LS khác xuất trình văn bản làm việc với lãnh đạo Trường THCS Tam Dị. Bởi trong hồ sơ, Phượng có nhiều lời khai cho thấy quá trình từ nhà ông Trường trở về có gặp một số học sinh đang tan học. Văn bản làm việc cho thấy theo lịch học mùa hè (từ ngày 6-4 đến 15-10 hằng năm), học sinh sẽ tan trường vào lúc 11 giờ 15 phút.
Vị này giả định sau khi tan học, phải mất 2-3 phút thì học sinh mới ra đến ngoài cổng trường. Như vậy, thời điểm Phượng gặp các học sinh là sau 11 giờ 15 phút, mâu thuẫn với cáo trạng.
Dù vậy, đại diện VKS đã bác bỏ những quan điểm trên, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án tử hình.