BS Trung cho biết ca phẫu thuật bắt đầu từ 11 giờ 30 ngày 31-12, do các bác sĩ BV Gang Thép phối hợp với các chuyên gia BV Hữu nghị Việt Đức Hà Nội thực hiện.
Chiếc kéo/panh được cho là đã nằm trong bụng bệnh nhân 18 năm. Ảnh: TTXVN
Theo một thành viên kíp mổ, mặc dù nằm trong ổ bụng bệnh nhân tới hơn 18 năm nhưng chiếc panh chỉ bị rỉ sét một chút ở phần đầu. Panh nằm ở bên trái của ổ bụng, sát đại tràng. Một số bộ phận trong cơ thể bệnh nhân do tiếp xúc dị vật lâu ngày đã có dấu hiệu dính sát vào panh.
Giải thích về lý do chiếc panh tồn tại trong cơ thể lâu như vậy mà bệnh nhân không hay, thành viên kíp mổ cho rằng mức độ chịu đựng của mỗi người là khác nhau. Cũng vì vậy nên những năm qua ông Nhật không cảm thấy quá bất thường và không đi khám bệnh.
Theo BS Trung, hiện bệnh nhân Nhật đã được đưa sang phòng hậu phẫu để hồi phục sức khỏe. Kết quả của ca phẫu thuật ra sao phải một tuần nữa các bác sĩ mới có thể có kết luận chính xác.
Liên quan đến sự việc này, ngày 30-12, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu BV Đa khoa Bắc Kạn - nơi đã để “quên” panh trong bụng bệnh nhân từ tháng 6-1998 đến nay - báo cáo vụ việc và xử lý nghiêm những cán bộ liên quan ca mổ để quên panh.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, hồ sơ của những bệnh nhân như ông Nhật chỉ lưu 15 năm, do vậy rất khó xác định chính xác thành phần kíp mổ và thành viên đã để quên panh.
Theo TS Nguyễn Bạch Đằng, giảng viên Học viện Quân y 103, vụ quên panh trong ổ bụng bệnh nhân thực sự là chuyện không may, là chuyện hi hữu. Với bệnh nhân, nếu có dị vật trong người thường họ sẽ bị đau, gây khó chịu. Tuy nhiên, sự đau này với bệnh nhân Nhật có thể không theo chu kỳ, chỉ âm ỉ bất chợt nên bệnh nhân đã bỏ qua và chịu đựng dị vật đến hơn 18 năm.