Mổ xẻ giá khám chữa bệnh khi tính đúng, tính đủ

(PLO)- Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-8, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trước khi hình thành dự thảo luật trên, tổ soạn thảo đã đưa ra hai phương án quy định thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Hai phương án, chọn một

Cụ thể, phương án 1, bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá khám chữa bệnh (KCB) của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Quy định giá tối đa đối với giá KCB theo yêu cầu của cơ sở KCB nhà nước trên phạm vi toàn quốc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: daibieunhandan.vn

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: daibieunhandan.vn

Các cơ sở này tự định giá KCB theo yêu cầu trên cơ sở giá tối đa. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự định giá KCB do cơ sở cung cấp nhưng phải thực hiện các quy định về niêm yết, công khai và kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

“Ưu điểm của phương án này là quản lý thống nhất giá, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt công việc cho các đơn vị, địa phương. Cạnh đó, nó phù hợp với thực tiễn quản lý giá hiện nay là doanh nghiệp tư nhân có mức đầu tư khác so với các cơ sở của Nhà nước. Tuy nhiên, nhược điểm là làm thay đổi thẩm quyền của chính quyền địa phương liên quan đến giá” - ông Hưng nói.

Về phương án 2, bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá KCB tối đa trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an quy định giá dịch vụ KCB cụ thể đối với cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ KCB cụ thể đối với cơ sở KCB của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Phải nghiên cứu kỹ trước khi ban hành

Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất được quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và đời sống của nhân viên y tế, tới sức khỏe và chi phí điều trị của bệnh nhân. Do vậy, dự luật này phải chỉn chu trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Các ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu tại hội thảo rất trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế
ĐÀO HỒNG LAN

“Ưu điểm của phương án này là quản lý trần giá đối với tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, bao gồm cả bệnh viện tư nhân; giữ nguyên thẩm quyền quyết định giá của chính quyền địa phương; tăng cường phân cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, nhược điểm là cùng một loại dịch vụ kỹ thuật nhưng mức giá lại khác nhau giữa các địa phương, phát sinh thêm nhiều công việc cũng như thủ tục hành chính và hạn chế sự phát triển của y tế tư nhân” - ông Hưng nói thêm.

Quy định rõ giá khám chữa bệnh

Sau khi lấy ý kiến từ nhiều nguồn, tổ soạn thảo đưa phương án 1 quy định thẩm quyền quyết định giá KCB vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và được đưa vào Điều 101 (giá khám bệnh, chữa bệnh).

Góp ý những nội dung quy định ở Điều 101, BS Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần quy định cụ thể có hay không việc đóng thuế đối với giá khám bệnh, chữa bệnh được ban hành theo khung giá của Nhà nước. “Cơ cấu giá trong dự thảo chưa bao gồm thuế, kể cả các chi phí ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay” - BS Nga nói.

Khoản 1 Điều 101 quy định “giá khám bệnh, chữa bệnh là khoản tiền thanh toán mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được nhận khi cung cấp dịch vụ KCB, bao gồm đầy đủ các yếu tố chi phí để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh”. BS Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đề nghị: “Cần bổ sung chi phí đào tạo, chi phí thực hiện công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh vì đây là những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ và có chi phí đầu tư lớn”.

BS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết khoản 1 Điều 101 quy định trong giá khám bệnh, chữa bệnh có chi phí tiền lương, do vậy cần bổ sung chi phí tiền công để đảm bảo chi trả cho người lao động. Đề cập đến quy định “chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu dịch truyền chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh đã được sử dụng cho người bệnh, việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu”, BS Hà cho rằng sẽ gây khó cho người thực hiện. “Cần quy định cụ thể trường hợp nào không được tính để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dễ dàng thực hiện” - BS Hà đề xuất.

Luật sửa đổi cần dựa trên yêu cầu thực tế

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã lạc hậu. Tuy nhiên, nếu sửa đổi vẫn theo hướng tập trung quyền lực (Bộ Y tế và các sở Y tế quản hết mọi thứ) thì không phải xu hướng cập nhật với thế giới, mà sẽ vẫn còn những hệ lụy về sau.

Hiện các bệnh viện (BV) được giao tự chủ nhưng không đúng nghĩa của nó. Hai khía cạnh quan trọng nhất của BV là nhân lực và tài chính nhưng BV cũng không tự chủ được hai yếu tố này, vậy thì làm sao phát triển được. Khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, chúng ta phải xác định được yêu cầu thực tế và có dám sửa đổi không, còn sửa đổi mà vẫn như cũ thì đừng mong mọi việc được sáng sủa hơn.

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, đại biểu Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm