Ngày 1-3, một nguồn tin cho biết, Sở TN&MT Bình Thuận đã mời các giảng viên là các tiến sĩ của Trường Đại học Thủy lợi; Viện Tài nguyên môi trường đến xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong để tham gia “giải cứu” bãi đá 7 màu.
Đây là đoàn chuyên gia được mời theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận sau khi bãi đá 7 màu, một danh thắng độc đáo ở đây bị xâm hại nghiêm trọng và PLO. VN đã phát hiện và có nhiều tin bài phản ảnh.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT; Sở VH TT&DL; UBND huyện Tuy Phong khẩn trương tổ chức đoàn công tác gồm các chuyên gia về tài nguyên môi trường, thủy lợi, bảo tồn bảo tàng kiểm tra, đánh giá cụ thể.
Từ đó xác định chính xác hiện trạng, có báo cáo, đề xuất giải pháp khả thi để khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho bãi đá bảy màu, bãi rêu và khu vực liền kề đã bị san ủi trái phép.
Tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Tuy Phong có báo cáo cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước; hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai tại khu vực bãi đá 7 màu, bãi rêu, kết quả chỉ đạo xử lý vụ việc nói trên.
Như tin đã đưa, từ đầu tháng 1-2019, ông Cao Văn Cư, một hộ dân ở đây đã lấn chiếm hơn 4.000 m2 đất công, tự ý thuê xe xúc, xe ủi san lấp mặt bằng. Núi cát do hoạt động san lấp đã lấp một phần bãi đá bảy màu, làm biến mất bãi đá con, đe dọa bãi rêu và phần còn lại bãi đá. Đáng ngạc nhiên là ông Cư đưa cơ giới vào san lấp rầm rộ, ngày đêm, tác động đến một địa chỉ du lịch nổi tiếng và độc đáo nhưng không hề bị chính quyền ngăn chặn mà chỉ lập biên bản rồi để đó.
Sau khi PLO.VN phản ảnh sự việc, Sở VH TT&DL Bình Thuận đã cử đoàn công tác đến kiểm tra. Qua kiểm tra, Đoàn công tác cho biết, việc san ủi trái phép đất, cát từ trên đồi xuống phía biển với chiều dài khoảng 100 m dọc bãi biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thắng cảnh bãi đá bảy màu và bãi rêu.
Cụ thể, tại trước bãi đá Bà Khòm (bãi rêu) đã bị cát phủ ra tới mép nước biển, hiện đã không còn nhìn thấy bãi đá con phía trước; tại bãi đá bảy màu cũng bị cát phủ lấp một phần. Việc san ủi trái phép nêu trên đã phá hủy toàn bộ thảm thực vật trên mặt đất và dải phân cách tự nhiên (cây bụi, xương rồng) kéo dài khoảng 100 m ngăn cách giữa bãi biển với thửa đất liền kề bị san ủi trái phép. Nguy cơ núi cát cao 10 m tiếp tục phủ lấp lên trên bãi rêu và bãi đá bảy màu là rất cao.
Theo Đoàn công tác, hiện nay UBND huyện Tuy Phong đang bố trí phương tiện cơ giới để đưa phần cát tràn lấp ra bãi biển lên phía trên, dự kiến sẽ trồng phi lao để chắn gió và ngăn cát tràn xuống biển. Tuy nhiên, xét về trực quan thì giải pháp này không khả thi về trước mắt cũng như lâu dài.
Tiếp đó, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc gởi UBND huyện Tuy Phong. Theo Sở TN&MT, khu vực ven biển xã Bình Thạnh thuộc đoạn TP 5.2 là khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển quốc gia trong đó có bãi đá bảy màu. Sở TN&MT Bình Thuận đề nghị chủ tịch UBND huyện Tuy Phong thực hiện nghiêm quy định tại theo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và đầy đủ các nội dung của chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo về hành lang bảo vệ bờ biển.
Được biết, hiện nay ngoài việc bỏ kinh phí thuê cơ giới giải quyết hậu quả, UBND huyện Tuy Phong cũng đã tổ chức trồng phi lao, rau muống biển trên núi cát và phải cắt cử người tưới nước mỗi ngày. Một nguồn tin cho biết, để mời các chuyên gia nói trên, UBND tỉnh cũng đã phải tạm ứng ngân sách ra để chi phí.
Hiện trường bãi đá 7 màu bị xâm hại
Núi cát hiện hữu
Núi cát cao 10 m nhìn từ biển vào
Huyện Tuy Phong phải bỏ kinh phí thuê cơ giới khắc phục tạm thời