Mới chặn được xe quá đát trên… giấy

“Khi kiểm định kỳ cuối các xe cận đát, chúng tôi sẽ gạch chéo lên giấy chứng nhận kiểm định. Ngày hết niên hạn sử dụng còn được ghi rõ ở tem dán trên kính xe. Cạnh đó, trên hệ thống dữ liệu của đăng kiểm toàn quốc sẽ đưa xe này vào diện cảnh báo. Như vậy chiếc xe đến ngày hết đát sẽ không thể kiểm định lưu hành ở bất cứ trạm đăng kiểm nào” - ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V (TP.HCM), khẳng định với Pháp Luật TP.HCMvề việc xử lý xe hết đát.

Khoảng hở với xe quá đát

Một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết theo quy định lúc xe hết đát thì chủ xe phải nộp lại giấy đăng ký (thường gọi là cà vẹt) và biển số xe tại PC67 nơi cấp đăng ký, biển số để nơi này làm thủ tục hủy bỏ.

Như vậy, cùng với việc “xóa” sổ kiểm định và thu hồi cà vẹt, biển số thì chiếc xe sẽ “mất hồn”, chỉ còn lại cái xác đã hết tuổi sử dụng. Xe này còn bị cấm lưu thông trên đường. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có quy định về việc xử lý (rã xe bán phế liệu, cơ quan nào giám sát việc xử lý…) xe quá đát. Do vậy, thực tế nhiều chủ xe vẫn giữ lại cà vẹt và biển số còn xác xe thì bán (để rã lấy phụ tùng hoặc sắt vụn), song cũng có nhiều trường hợp tiếp tục sử dụng các xe quá đát này. “Theo Nghị định 171/2013, chủ xe là cá nhân không nộp lại cà vẹt, biển số và sổ kiểm định của xe hết đát sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng. Nếu chủ xe là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi. Tuy vậy, biện pháp xử phạt trong thực tế rất khó áp dụng, do CSGT không thể “truy lùng” chủ xe để kiểm tra, xử phạt” - vị này nói.

Điều này cho thấy việc ngăn chặn xe quá đát tiếp tục lưu thông bằng những biện pháp như trên mới chỉ có giá trị trên… giấy. Thực tế còn nhiều khoảng hở để cả xe quá đát và các loại giấy tờ liên quan vẫn tiếp tục trôi nổi trên các nẻo đường.

 
Một vụ tai nạn làm chết 10 người, bốn người bị thương do xe quá đát gây ra. Ảnh: TL

“Mật phục” cũng không xong

Các chi tiết, máy móc, sắc xi... của xe quá đát không đảm bảo an toàn và dễ gây tai nạn nếu tiếp tục sử dụng. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết Cục vừa yêu cầu các cơ quan đăng kiểm xe cơ giới phối hợp với các Phòng CSGT, Sở GTVT, Thanh tra GTVT tuần tra, kiểm soát để xử lý các chủ xe, người sử dụng xe hết đát đưa xe tham gia giao thông. Tuy vậy, vị này cũng nhìn nhận giải pháp này đã được áp dụng thời gian qua nhưng chưa đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V (TP.HCM), cho biết ông có một thời gian được biệt phái lên Gia Lai và tham gia lực lượng liên ngành xử lý xe quá đát. Lực lượng liên ngành gồm CSGT, TTGT và cơ quan đăng kiểm ở tỉnh này tổ chức nhiều đợt “mật phục”. Nhưng mất cả tuần lực lượng liên ngành mới bắt được một vài chiếc xe hết đát, dù thực tế số xe quá đát đang được sử dụng khá nhiều.

Từ bất cập này một số cơ quan đăng điểm đề xuất giao cho chính quyền địa phương, đến tận cấp xã, thôn hoặc ấp đi kiểm tra rồi báo thực trạng xe quá đát trên địa bàn. Theo một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam, các ý kiến trên cho rằng các thôn, xã biết rõ xe nào hoạt động, của ai, biển số thế nào… Khổ nỗi xe chỗ này được dùng chỗ khác nên biện pháp này đã quá sức của các cán bộ xã. Do vậy, câu chuyện “không tiếp tục sử dụng xe quá đát” vẫn phụ thuộc chính vào sự tự giác của chủ xe.

Ngăn xe quá đát “nhảy” xuống sông

Hiện tượng máy, phụ tùng của ô tô quá đát được gắn cho ghe tàu, vỏ lãi chở hàng, chở người ở miền Tây là khá phổ biến. Việc tận dụng như thế trong điều kiện kinh tế còn khó khăn là tạm chấp nhận.

Tuy vậy, máy của ô tô đã khai thác liên tục 20-30 năm thì chất lượng kỹ thuật, độ an toàn đã giảm mạnh. Cạnh đó, các máy ô tô lại không bền, ổn định như máy thủy chuyên dùng do phải chịu thêm sự chao nghiêng, rung lắc của sóng sông, gió nước. Ghe tàu còn bươn vào vùng nước lợ, nước mặn nên máy còn mau hư hỏng, trục trặc hơn máy thủy chuyên dùng.

Do vậy, Chi cục Đăng kiểm số 6 đề xuất có lộ trình buộc các loại ghe tàu nhỏ, vỏ lãi lắp máy thủy chuyên dùng để ngăn nạn máy ô tô “đổ bộ” xuống đường thủy. Song song với lộ trình này thì cũng cần sớm có quy định niên hạn với ghe tàu chở dưới 12 người và ghe tàu nhỏ chở hàng hóa nhằm loại trừ nguy cơ tai nạn do máy ô tô quá đát từ trên bộ “nhảy” xuống sông nước.

Ông PHẠM NINH, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6,
Cục Đăng kiểm Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm