Sáng 13-6, phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương cùng bốn bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm việc. Mở đầu, HĐXX cho biết hôm nay đã mời đại diện Bộ Y tế và Viện khoa học hình sự Bộ Công an.
Trong đó, HĐXX đề nghị đại diện Bộ Y tế giải thích về hai công văn số 41 (mật) và 2569 (công khai) thể hiện quan điểm của bộ này về vụ án, được gửi tới cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cũng như Trung ương, trước khi phiên tòa diễn ra. Về phía Bộ Y tế có ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, cùng một số lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Y tế.
Ngoài ra, còn có các chuyên gia đến từ bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội... Thẩm phán Nguyễn Văn Vận, chủ tọa phiên tòa, cho hay các công văn này không phải là chứng cứ của vụ án nhưng cần phải được làm rõ, bởi công văn được gửi tới Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ yêu cầu cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình giải thích rõ, minh bạch.
Trong số trên, công văn số 41 được đóng dấu mật, liên quan đến các nội dung giám định y khoa, vì vậy đại diện Viện khoa học hình sự Bộ Công an được triệu tập để làm rõ. Còn công văn số 2569 chính là văn bản thể hiện quan điểm của Bộ Y tế, cho rằng việc kết tội Hoàng Công Lương cùng một số bị cáo còn thiếu thuyết phục. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng tòa sơ thẩm buộc tội các bị cáo Lương, Dương, Khiếu và Tuấn còn “khiêng cưỡng”, “yếu chứng lý”.
Đơn cử, bộ này nhận định việc xác định chủ thể tội danh vô ý làm chết người đối với Lương là không thuyết phục, lỗi của Lương là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân. Bộ Y tế nhấn mạnh nếu toà phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội vô ý làm chết người sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế vì ai cũng có thể bị điều tra, truy tố xét xử với tội danh này…
“Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh, cứu người. Hậu quả cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất lại là người bệnh vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình và các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bắt bẻ họ vào đâu được” – Bộ Y tế nhận định.