Mọi doanh nghiệp đều được quyền nhập khẩu ô tô

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết với tinh thần tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô, dự thảo nghị định khẳng định mọi DN đều được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại nghị định.

Trên cơ sở đó, dự thảo nghị định quy định rõ các điều kiện nhập khẩu ô tô cũng như các quy trình, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô để tạo điều kiện cho DN trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, để bảo đảm sự minh bạch trong việc áp dụng điều kiện nhập khẩu ô tô, dự thảo nghị định ban hành danh mục ô tô nhập khẩu có điều kiện kèm theo mã HS. Theo đó, chỉ những DN nhập khẩu ô tô thuộc danh mục kèm theo nghị định mới phải đáp ứng các điều kiện quy định tại nghị định và phải được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô trước khi nhập khẩu.

Đối với các loại ô tô không có tên trong danh mục, việc nhập khẩu thực hiện theo các quy định về quản lý nhập khẩu ô tô tại các văn bản pháp luật khác có liên quan, thủ tục nhập khẩu giải quyết tại cơ quan hải quan.

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định quy định DN nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại nghị định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, DN nhập khẩu có thể lựa chọn một trong ba hình thức: Sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu ba năm; hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của DN nhập khẩu.

Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo nghị định quy định đến 1-7-2020, DN nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại nghị định.

Các điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được quy định cụ thể gồm các yêu cầu về nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng cũng như các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn lao động theo pháp luật. Các tiêu chuẩn cụ thể của một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô được viện dẫn tới tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 “Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự”...

Theo nội dung tại dự thảo nghị định, Bộ Công Thương cam kết kể từ ngày nhận hồ sơ, trong bảy ngày làm việc, Bộ sẽ thông báo kiểm tra cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của DN nhập khẩu xe nguyên chiếc theo quy định. Nếu DN đáp ứng được điều kiện, sau bảy ngày làm việc tiếp theo Bộ Công Thương sẽ cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho DN.

Như vậy, tối đa 14 ngày kể từ thời điểm Bộ Công Thương nhận được hồ sơ đăng ký kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định, Bộ Công Thương sẽ cấp phép cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.