Một số khu công nghiệp TP.HCM đã có những thay đổi nhanh để thích ứng thị trường, khi chính quyền thành phố chú trọng dịch chuyển dần sang các ngành công nghệ cao, trong khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công và đất đai ít được khuyến khích.
Bám sát xu hướng
Khu chế xuất Tân Thuận, một khu công nghiệp có thể nói đầu tiên và lâu đời tại Việt Nam, đã cảm nhận rõ sự cạnh tranh gay gắt và không thể giữ chân nhà đầu tư, mặc dù Tân Thuận nằm sát bên cảng biển và trung tâm thành phố thuận tiện cho việc giao thương.
Nguyên nhân, các khu công nghiệp kế cận như Long An, Đồng Nai đang đem lại nhiều ưu đãi hơn, với giá thuê rẻ hơn. Tân Thuận nhìn thấy rằng khó có thể kiếm lợi nếu cứ tiếp tục cho thuê nguyên lô. Một giải pháp đặt ra, xây dựng các nhà xưởng cao tầng, 3-8 tầng, với diện tích mỗi sàn trên dưới 1.000 m2.
Nói cách khác, một lô đất cho thuê không còn là cứ địa của một doanh nghiệp mà đứng chân trong đó hàng chục doanh nghiệp khác nhau. Đây là cách thu hút các doanh nghiêp quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít nhưng muốn có ngay nhà xưởng hoạt động và các tiện ích đi kèm.
Theo Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận, nhờ mô hình này, tỉ lệ lấp đầy gia tăng, chưa kể giúp nâng cao năng suất đầu tư và số lượng doanh nghiệp hoạt động trên 1 ha đất. Giá thuê đất trung bình tại Tân Thuận đã tăng lên 15 triệu USD/ha, tăng gấp đôi so với trước đó là 7 triệu USD/ha và số lượng doanh nghiệp tăng lên 12 doanh nghiệp/ha so với một doanh nghiệp/ha trước đây.
Với tính hiện quả đã chứng thực, mô hình này đã bắt đầu lan rộng tại các khu công nghiệp của TP.HCM.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2017, cả nước có 325 khu công nghiệp đang hoạt động và tỉ lệ lấp đầy đạt 51,5%. |
Mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được chú ý đầu tư
Trong một chiến lược mới, Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) tập trung vào việc tạo ra các lô đất cho thuê có diện tích nhỏ 750-1.000 m2, với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn có nhà xưởng sản xuất.
Bởi vì, theo đánh giá của ban lãnh đạo Hiệp Phước, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, có nhu cầu rất cao tìm kiếm mặt bằng sản xuất, nên đây là cách để đáp ứng nhu cầu đa dạng cho doanh nghiệp.
Đến nay, động thái này đã thu hút được 34 dự án với 44 lô đất, tổng diện tích 20 ha, được lấp đầy với các ngành nghề sản xuất như cơ khí, thực phẩm chế biến, điện tử, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, kho vận...
Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng được đánh giá là khá năng động trong các chiến lược kinh doanh của mình. Khi trước đó, Hiệp Phước đã mở một Khu kỹ nghệ Việt - Nhật, đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư Nhật có quy mô nhỏ.
Theo đó, Hiệp Phước xây dựng các mô hình nhà xưởng xây sẵn theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Bên cạnh đó kèm theo các tiện ích khác như, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tư vấn thuế, đầu tư, kế toán, đào tạo và huấn luyện và cả nhân lực biết tiếng Nhật.
Như vậy, chủ đầu tư thực hiện tất cả dịch vụ từ A-Z, tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực cho sản xuất và kinh doanh. Và doanh nghiệp chỉ việc đi vào hoạt động sản xuất ngay mà không mất thời gian và chi phí cho các hoạt động trên. Và mô hình này cũng khá thành công khi nhiều nhà đầu tư Nhật đã đăng ký hoạt động tại Hiệp Phước.
Nhân rộng thương hiệu
Xây dựng một mô hình riêng biệt để phục vụ các lĩnh vực đặc thù, nhiều khu công nghiệp đã nhanh chóng mở rộng chuỗi kinh doanh.
Gần đây, TP.HCM đã bắt đầu tính đến việc triển khai nhân rộng mô hình Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) ra khắp cả nước. Đây là loại hình khu công nghiêp công nghệ cao, phục vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin,…
Nền tảng cho quyết định này là vì sau 15 năm phát triển, QTSC đã tạo ra hệ sinh thái công nghiệp công nghệ thông tin có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước và đã tạo ra một thương hiệu có uy tín thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư tại đây.
TP.HCM đã bắt đầu tính đến việc triển khai nhân rộng mô hình Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC)
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, tỉ lệ lấp đầy của QTSC đạt 86% và trong vòng 15 năm đã tạo ra một doanh thu tích lũy gần 1 tỉ USD, với năng suất lao động đạt 18.000-20.000 USD/người/năm. Ước tính cứ 1 USD bỏ ra đầu tư hạ tầng đã thu hút được 32,64 USD vốn của nhà đầu tư.
Và trong định hướng phát triển QTSC 2 là đầu mối dẫn dắt cho phát triển công nghiệp hóa và trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đánh giá về sự thành công của QTSC, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết ngay từ ban đầu, Việt Nam đã xác định sản xuất phần mềm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu, thu hút nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, vì vậy QTSC xác định chất lượng dịch vụ của mình phải là chất lượng quốc tế. Muốn vậy phải đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Để thu hút nhà đầu tư thì không có cách gì khác là luôn lắng nghe các nhà đầu tư, quan sát họ trong từng thời kỳ: Họ làm phần mềm gì, cung cấp dịch vụ gì, tiến hành công tác đào tạo như thế nào… để tìm cách đáp ứng các yêu cầu của họ một cách tốt nhất.
“Cơ bản là không nói “không” với doanh nghiệp, mà phải lắng nghe và bàn thảo với họ. Mình chào gói hàng thật tốt thì dù không cần ép họ, dù có gặp trở ngại nhất định, cuối cùng họ cũng sẽ quay lại”, ông Nhân nói.