Đây là chia sẻ của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng vào sáng 18-10, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Cải cách mạnh mẽ nhất
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về năm vấn đề tới BHXH Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh. Đáng chú ý, BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm.
“Quan trọng nhất là tạo minh bạch, rất rõ ràng trong quản lý, điều hành, mang tính chất phục vụ người dân, người đóng bảo hiểm. Đồng thời kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh, chống những kẽ hở có thể bị lợi dụng trong thanh toán bảo hiểm...” - tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Cạnh đó, BHXH đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. Ngoài ra, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm. Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) có nhiều chuyển biến, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán...
“Xin chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về năm vấn đề như vậy, đặc biệt là về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách, tác động rõ rệt tới kinh tế-xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo hiểm và người dân. Như trước đây, các cụ đi năm ba cây số mới nhận được tiền lương hoặc đưa tiền cho xã rồi nhưng xã còn lâu mới đưa tới người nhận thì nay trả lương ngay tại điểm bưu điện văn hóa xã, rất nhanh” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tổ trưởng Tổ công tác cũng nêu năm vấn đề để BHXH tiếp tục làm tốt hơn. Ông Dũng lưu ý dư luận, báo chí vẫn thường đề cập tới khả năng mất cân đối trong thu chi BHYT. BHXH đã có nhiều giải pháp nhưng cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối quỹ. Ngoài ra, BHXH cần làm tốt hơn nữa để kiểm soát, giám sát tự động trong chi bảo hiểm, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi bảo hiểm.
Đoàn công tác khảo sát tại trung tâm vận hành hệ thống công nghệ thông tin của BHXH. Ảnh: ĐỨC MINH
Cảm ơn về những lời khen ngợi nhận được, tuy nhiên, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Mỗi lần khen là rất áp lực”.
Đề nghị công khai việc đầu tư của quỹ BHXH
Tại buổi làm việc, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kiến nghị cần công khai hơn các vấn đề liên quan đến quỹ BHXH. “Chắc chắn số tiền dư trong quỹ đang nằm ở đâu đó và cũng đang sinh lời. Cần công khai để ít nhất chúng tôi biết tiền của chúng tôi nằm ở đó đang được sử dụng thế nào, sinh lời ra sao. Đó là cách tạo ra niềm tin cho rất nhiều người, là động lực để chúng tôi góp BHXH chứ không phải là chúng tôi buộc phải góp BHXH” - ông Cung nói, đồng thời băn khoăn vì “không nhìn thấy chi phí hoạt động của BHXH là bao nhiêu”.
“Chúng tôi cũng có một số quan ngại như anh Cung” - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Lan Anh đồng tình.
Giải đáp băn khoăn trên, bà Minh cho hay BHXH thường xuyên báo cáo với Quốc hội về hiệu quả đầu tư của quỹ. “Tới đây, chúng tôi sẽ xin ý kiến những danh mục gì công khai, minh bạch” - bà Minh nói và cung cấp thông tin BHXH có thực hiện đầu tư từ những nguồn nhàn rỗi với lãi suất 7%/năm.
“BHXH chỉ đầu tư qua hai kênh là trái phiếu chính phủ và cho năm ngân hàng thương mại nhà nước vay. Tăng trưởng kinh tế là 6,7%, trượt giá CPI là 4,5%, như vậy hiệu quả cao hơn tăng trưởng kinh tế” - bà Minh nói. Tuy nhiên, theo bà Minh, các nước có những kênh đầu tư hiệu quả hơn nhưng ở ta muốn làm như vậy cần phải sửa luật. “Luật rất thận trọng vì quỹ này là quỹ an sinh. Trước khi mang lại lợi nhuận phải đảm bảo an toàn cho người dân đã. Nhưng quỹ này rất lớn, so với các nước về góc độ hiệu quả, nếu có cơ chế quản lý tốt, có năng lực đầu tư sẽ thu được lợi nhuận cao hơn” - bà Minh nói.
Định biên cho ngành BHXH là 27.000 cán bộ nhưng thực tế chỉ có 20.500 người. Vì vậy, cán bộ BHXH có một giai đoạn làm đến 9, 10 giờ đêm, làm cả thứ Bảy, Chủ nhật. Nếu không cải cách thì mình chết. Đến nay BHXH đã giảm mạnh thời gian nộp của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ. Bà NGUYỄN THỊ MINH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam |