Theo GS Đức, Việt Nam có 80.000 người chết và 150.000 người mới mắc ung thư mỗi năm là do bốn nguyên nhân chính: 35% do thực phẩm chưa an toàn, 30% do hút thuốc lá, 5%-10% do di truyền và còn lại do một số nguyên nhân khác.
Dự kiến năm 2020 sẽ tăng lên 200.000 ca. Số tiền bảo hiểm y tế Việt Nam phải chi trả cho điều trị căn bệnh này cũng lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Do vậy, việc đưa ra những giải pháp dự phòng và tầm soát ung thư sớm ở Việt Nam là vô cùng cần thiết và cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tại hội thảo, PGS-TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, cho biết xu hướng các can thiệp dự phòng ung thư trong tương lai sẽ tập trung vào các yếu tố kiến thức về gien của con người và công nghệ sinh học trong xử lý và điều chỉnh các gien gây ung thư; công tác tầm soát, phát hiện sớm và bổ sung các chất chống oxy hóa mạnh nhằm đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Theo các chuyên gia, bình thường hệ thống thải độc cơ thể mới chỉ hoạt động khoảng 40% công suất, trong khi độc tố thì ngày càng nhiều từ các nguồn như thực phẩm bẩn, nguồn nước, môi trường…, nên việc thúc đẩy và kích hoạt hệ thống thải độc hoạt động tối đa là rất quan trọng, tránh nguy cơ ung thư và bệnh tật.