Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa phối hợp với Tập đoàn Qualcomm tổ chức buổi tập huấn triển khai sử dụng nền tảng nhận diện thiết bị, để nhận biết các thiết bị di động thật giả như điện thoại di động, các loại máy tính bảng… cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục QLTT. Qualcomm là một trong những đơn vị cung cấp thông tin để triển khai nền tảng nhận diện thiết bị toàn cầu.
“Tình hình giả mạo thiết bị không chỉ ở thế giới mà ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Bản quyền và sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu, mỗi năm trên thế giới có khoảng 184 triệu thiết bị điện thoại bị làm giả, gây thất thoát kinh tế khoảng 45 tỉ Euro/năm. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam có khoảng 4,5 triệu thiết bị di động bị làm giả mỗi năm, chiếm 18%" - ông Recep Esler, Quản lý cấp cao Tập đoàn Qualcomm, cho biết.
Theo ông Recep Esler, hiện nay việc nhận diện xác định, phân loại thiết bị di động giả mạo hay nguyên gốc chủ yếu phân biệt dựa trên dãy số IMEI được cấp trên mỗi thiết bị di động được nhà sản xuất chính hãng đăng ký.
Tuy nhiên, theo tổng hợp của Qualcomm, việc làm giả thiết bị di động sẽ rơi vào các trường hợp: Thứ nhất là thiết bị không có số IMEI; thứ hai có số IMEI nhưng là thông tin tự tạo, khi kiểm tra trực tiếp dữ liệu IMEI thì đây chỉ là những chữ số không tồn tại; thứ ba là số IMEI trên thiết bị là thật nhưng là số của thiết bị cũ được đè lên và sử dụng cho các thiết bị mới.
Tại buổi tập huấn, công chức QLTT được hướng dẫn tạo tài khoản và cấp quyền sử dụng nền tảng nhận diện thiết bị nhằm giúp hỗ trợ một cách tốt nhất QLTT trong quá trình thực thi. Là bước tiến mới giúp lực lượng QLTT phát hiện ra được những thiết bị di động nhái, làm giả, không chính hãng đang lưu thông trên thị trường.
Tháng 4-2019 , lực lượng chức năng TP.HCM bắt lô hàng iPhone, iPad lậu trị giá hơn 4 tỉ đồng.
Ngày 29-11, Tổng cục QLTT công bố số chính thức hoạt động số hotline mới là 1900.888.655 hoạt động 24/7, thay cho số hotline cũ là 0945.131.911.
Qua số hotline này, Tổng cục QLTT tiếp nhận các thông tin tố giác từ người dân và doanh nghiệp về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và tiếp nhận phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật; các thông tin phản ánh về đạo đức công vụ của công chức hành pháp.
Theo Tổng cục QLTT, qua một năm hoạt động, đầu số 0945.131.911 đã tiếp nhận trên 400 cuộc gọi từ người dân và doanh nghiệp phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm và đã được Tổng cục QLTT chuyển đến các đơn vị có liên quan để điều tra xử lý theo quy định.