Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, từ tháng 8-2022 đến nay, mỗi ngày dao động có từ 40-45 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nguồn hàng để cung ứng cho người dân.
Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh có 40-45 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nguồn hàng. (Trong ảnh: Một cửa hàng xăng dầu ở Hậu Giang treo bảng hết hàng tại thời điểm tháng 9-2022). Ảnh: CHÂU ANH |
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương Hậu Giang đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập nhiều đoàn kiểm tra. Cụ thể, các đơn vị đã khảo sát 233 lượt cửa hàng, kiểm tra thực tế 87 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, đơn vị chức năng chưa phát hiện trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lập biên bản năm cửa hàng bán lẻ xăng dầu và ban hành năm quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền 82,5 triệu đồng, gồm các hành vi: niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, sai phạm về biển hiệu, cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh...
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh nên các nước xuất khẩu dầu hạn chế... Đồng thời, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao sau khi phục hồi kinh tế của đất nước nên chưa dự báo được. Thống kê trong sáu tháng đầu năm 2022, các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu với giá cao, khi nhập về bán giá thấp nên lỗ nặng; nguồn cung xăng dầu trên thị trường quốc tế khan hiếm, không ổn định.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 239 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảy thương nhân đầu mối và 25 thương nhân phân phối xăng dầu.
Do giá xăng dầu biến động lớn, phức tạp, dị biệt cho nên các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã gặp khó khăn và thua lỗ liên tục. Do vậy, nhiều DN đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu xăng dầu cầm chừng. Cạnh đó, một số DN đã phải cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến các DN bán lẻ xăng dầu cũng bị ảnh hưởng hoặc không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.
Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đề nghị các thương nhân đầu mối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu... để đảm bảo nguồn xăng dầu. Ảnh minh họa: CHÂU ANH |
Một vấn đề khác là một số DN đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu có thời hạn do vi phạm hành chính và bị xử phạt. Từ đó, dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của các DN đầu mối này.
Từ thực tế trên, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ xem xét cho điều chỉnh giá chi phí vào giá cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định; cạnh đó, đề nghị Ngân hàng nhà nước hỗ trợ vay vốn đối với các DN kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị các thương nhân đầu mối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu; không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, cung cấp đủ nguồn hàng cho hệ thống bán lẻ; kết nối và chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống một cách hợp lý nhất.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ) vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DN tư nhân xăng dầu ở huyện Cờ Đỏ số tiền 40 triệu đồng.
Theo cơ quan chức năng, DN này đã tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối xăng dầu quy định, thu lợi bất hợp pháp.