Hậu Giang có 21 cửa hàng 'chưa ổn định nguồn xăng dầu'

(PLO)-  Dù Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và cho viết cam kết, nhưng đến nay vẫn còn  21 cửa hàng chưa ổn định hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Công thương tỉnh Hậu Giang vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay.

Theo đó, Sở này cho biết qua kiểm tra trên địa có 21 cửa hàng, đại lý thuộc hệ thống của bốn doanh nghiệp (DN) kinh doanh chưa ổn định và đảm bảo để cung cấp, duy cho hệ thống cửa hàng bán lẻ, dù đã được nhắc nhở và cho viết cam kết.

Một cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH MTV Hòa Bình treo bảng hết xăng hồi cuối tháng 8-2022. Ảnh: BT

Một cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH MTV Hòa Bình treo bảng hết xăng hồi cuối tháng 8-2022. Ảnh: BT

Đó là: 11 đại lý thuộc Công ty CP thương mại hóa dầu Ressol, bảy cửa hàng trực thuộc hệ thống của Công ty TNHH MTV Bắc – Nam Thịnh Hòa, một cửa hàng và một đại lý trực thuộc Công ty TNHH MTV Hòa Bình và một đại lý thuộc hệ thống của Công ty TNHH Xăng dầu Kim Phượng.

“Các DN này, Sở Công Thương cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và cho viết cam kết. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa ổn định, đảm bảo để cung cấp và duy trì cho hệ thống cửa hàng bán lẻ, nhằm ổn định tình hình thị trường cũng như tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh” - Sở Công thương tỉnh Hậu Giang nêu trong báo cáo.

Ngày 1-11, qua khảo sát, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang ghi nhận có 46 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nhiên liệu.

Trong đó, có 24 cửa hàng hết xăng dầu, 20 cửa hàng hết xăng còn dầu và hai cửa hàng hết dầu còn xăng.

Từ thực tế đó, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ xem chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẽ nguồn xăng dầu. Hoặc tổ chức kiểm tra hệ thống của các thương nhân này, do các cửa hàng này thường xuyên hết hàng và báo cáo đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa.

Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá đảm bảo cho các DN có lãi để duy trì hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Tháng 2-2022, Đoàn của Cục QLTT tỉnh Hậu Giang kiểm tra và nhắc nhở một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Châu Thành A treo bảng hết xăng. Ảnh: CHÂU ANH

Tháng 2-2022, Đoàn của Cục QLTT tỉnh Hậu Giang kiểm tra và nhắc nhở một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Châu Thành A treo bảng hết xăng. Ảnh: CHÂU ANH

Thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 233 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, trong đó có bảy thương nhân đầu mối và 25 thương nhân phân phối xăng, dầu đang hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT), Công an tỉnh cùng các ngành và địa phương tiến hành kiểm tra tập trung về giá cả, tình hình cung ứng hàng hoá và việc chấp hành quy định về thời gian bán hàng theo quy định. Cụ thể, đã khảo sát 233 lượt cửa hàng, kiểm tra thực tế 87 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt năm cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh có vi phạm, tổng số tiền 65 triệu đồng.

Tháng 8-2022 và những ngày đầu tháng 10-2022, sau khi có thông tin một số Cửa hàng hết xăng dầu, Sở đã thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra đối với 19 cửa hàng, phát hiện chín cửa hàng hết xăng dầu hoặc hết xăng còn dầu.

Từ kết quả kiểm tra, đoàn đã lập biên bản đối với hai cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đồng thời, ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, sai phạm về biển hiệu, với tổng số tiền 17,5 triệu đồng. Các trường hợp còn lại, đoàn tiến hành cho ký cam kết sớm nhập hàng và bán trở lại.

Từ cuối tháng 1-2022, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản tỉnh.

Kết quả đã triển khai cho 58 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu ký cam kết, lập biên bản kiểm tra 12 DN kinh doanh xăng dầu; nhắc nhở tám DN và xử lý vi phạm hành chính bốn DN kinh doanh xăng dầu, với tổng tiền phạt là 274,5 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm