Có hai bị can (gồm một cựu cán bộ trung tâm nghiên cứu của một trường đại học thuộc Bộ Công an và một cựu viện trưởng viện nghiên cứu) nói là sẽ lo cho được chức vụ phó một vụ thuộc Văn phòng Chính phủ. Tưởng thật, một phụ nữ đã chuyển cho cựu cán bộ trên hơn 26 tỉ đồng cùng một ô tô trị giá hơn 1,6 tỉ đồng để làm quà biếu...
Thông tin về một vụ án lừa đảo theo một cáo trạng gần đây của VKSND TP Hà Nội (PLO đăng ngày 15-1) thoạt nghe cũng bình thường như rất nhiều vụ án đồng dạng nhưng ngẫm lại không chỉ là vậy.
Đối với hai bị can bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội trạng, hình phạt như thế nào phải chờ tòa xét xử. Trước mắt, theo cáo trạng, họ có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở chỗ dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của người phụ nữ kia. Cả hai bị truy tố tội này do bị can đầu vụ (cựu cán bộ) dùng phần lớn số tiền nhận được để tiêu xài và đã trích đưa cho bị can giúp sức (cựu viện trưởng) 1 tỉ đồng.
Hiện tại chưa thấy có lấn cấn gì về tội danh nếu hai bị can thực sự không đưa số tiền, quà lớn nhận được cho những ai đó có chức sắc để người phụ nữ nêu trên có một vị trí công việc theo ý muốn mà chỉ là xạo sự để lừa gạt lấy tiền, quà của người này. Bởi lẽ nếu hai bị can đã làm trung gian cho việc xác lập và thỏa thuận với người có chức vụ, quyền hạn làm một việc có lợi cho người phụ nữ theo sự ủy nhiệm của bà này thì phải là tội môi giới hối lộ (đi kèm theo đó là tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ).
Bị cáo Trần Hoàng Huy (cựu đại úy công an) bị TAND TP Cần Thơ xử phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Huy bị cáo buộc chiếm đoạt 820 triệu đồng của sáu bị hại muốn xin việc vào ngành công an.
Phải thấy rằng nếu đúng là tội lừa đảo thì người đưa tiền, quà cho một ý định, toan tính vi phạm pháp luật là chạy chức nhưng bất thành thì người đưa tiền, quà sẽ được cho là người bị hại. Khi đó, người bị hại sẽ được pháp luật bảo vệ quyền lợi để có thể được trả lại số tiền, quà tiêu cực đó.
Xét theo các quy định về tố tụng hình sự thì việc xếp loại này không sai nhưng nghĩ thêm thì hành vi của người phụ nữ trên về bản chất là đưa hối lộ. Từ những người hám chức quyền không dựa trên thực lực nên sẵn sàng chi cả chục tỉ đồng như người phụ nữ này mà làm phát sinh những tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi không điều tra được có việc môi giới, nhận hối lộ (hoặc tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ - những tội phải kỳ công mới điều tra ra).
Vậy có thỏa đáng hay không khi cứ coi bà này (hay những người có hành vi sai phạm tương tự) là nạn nhân để rồi sẽ có nhiều mối nguy cho bộ máy chính quyền nếu bằng cách nào đó, họ lọt được vào hàng ngũ cán bộ.
Đành là việc buộc tội bắt buộc phải có bằng chứng nhưng có nên cứ tiếp tục chấp nhận sự thản nhiên vô tội đưa hối lộ từ họ để duy trì lối suy nghĩ của không ít người về chức - quyền - tiền nên mạnh tay chi tiền để có chức tạo ra vòng tham nhũng đã và đang gây nhiều đồn đoán, điều tiếng trong dư luận.
Nhất định phải có sự nhận diện chính xác và giải pháp để loại trừ những phi lý về thân phận pháp lý lẽ ra là bị can, bị cáo chứ không thể là người bị hại ở những người có hành vi chạy chức đáng phê phán như thế.
Cần lưu ý là pháp luật hình sự đang đủ các quy định để trừng trị hết thảy người có liên quan đến việc chạy chức, chạy quyền. Điều cần phải làm chính là kỹ năng điều tra tội phạm đưa, môi giới, nhận hối lộ sao cho tới nơi tới chốn. Cùng với đó là việc kiểm soát cho bằng được thu nhập của mọi cán bộ, nhất là đối với những nhân sự có chức sắc… để kịp thời phát hiện, xử lý đúng các tội phạm.