Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ xây dựng Chính phủ đoàn kết, kiên quyết chống tham nhũng. Ảnh: THÀNH VĂN
Ngày 3-8, Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIII (2011-2016) với 27 thành viên, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã chính thức ra mắt. Trước đó, QH đã tiến hành bỏ phiếu và thông qua nghị quyết phê chuẩn chức danh của bốn phó thủ tướng và 22 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Thay mặt các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó”.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là phải tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, ra sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy thành tựu đã đạt được. Trong đó, trước mắt phải tập trung sức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, phải kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Theo đó, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước…
“Mỗi thành viên Chính phủ luôn tâm niệm rằng có được những thành quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ có dân, có Đảng. Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước” - Thủ tướng nói.
Nhân sự Chính phủ và tỉ lệ phiếu tán thành 1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 62 tuổi (94%); 2. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, 52 tuổi (93,8%); 3. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, 58 tuổi (91,6%); 4. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 57 tuổi (95,2%); 5. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, 56 tuổi (81,8%); 6. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, 62 tuổi (97,4%); 7. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, 55 tuổi (95%); 8. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, 51 tuổi (94%); 9. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, 54 tuổi (90,2%); 10. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, 53 tuổi (91%); 11. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, 55 tuổi (93,6%); 12. Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, 59 tuổi (81%); 13. Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, 56 tuổi (74,4%); 14. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, 58 tuổi (96,2%); 15. Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, 58 tuổi (87,4%); 16. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, 58 tuổi (90,4%); 17. Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, 57 tuổi (87,4%); 18. Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, 51 tuổi (71,2%); 19. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, 55 tuổi (92,2%); 20. Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, 56 tuổi (92,8%); 21. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 52 tuổi (79,2%); 22. Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang, 58 tuổi (80,8%); 23. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, 59 tuổi (63,2%); 24. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, 50 tuổi (92%); 25. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, 56 tuổi (91,2%); 26. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, 48 tuổi (92,6%); 27. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, 60 tuổi (96%). |
THÀNH VĂN