Cái lý của Tổng cục TDTT là sau 15 năm xài hàng ngoại không có nhiều chuyển biến, giờ đã đến lúc tin thầy nội với điều kiện phải toàn thời gian cho đội tuyển Việt Nam. LĐBĐ VN sau hơn hai tháng cân đong đo đếm đã chọn ra ba cái tên ưng ý nhất gồm Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức nhưng cả ba đều từ chối với nhiều lý do. Dù không ai dám nói thẳng là đang yên ấm với CLB và lên đội tuyển rất dễ “gãy” và thậm chí là mất tất cả như ông Goetz từng được bảo vệ rồi bị dập tơi bời khi vừa về nhà nghỉ phép. Vì thế mà các ứng viên đều muốn “nắm đằng chuôi” với giải pháp an toàn nếu có “gãy” thì về lại với CLB.
Chính cái sự ngổn ngang và thiếu ổn định của đội tuyển từ nhiều năm qua khiến các thầy nội ái ngại khi đặt mình vào thế trên đe dưới búa, sợ lên tuyển dễ mất luôn cả chì lẫn chài.
Có một ngoại lệ ông Calisto thời kỳ đầu (2002 và 2008) rất hào hứng với công việc trên đội tuyển, bởi ông đã đụng trần tại CLB và không thích lởn vởn ở đẳng cấp dưới. Lâu dần cũng đến lúc ông Calisto hiểu ra đội tuyển Việt Nam chỉ quẩn quanh với cái ao làng Đông Nam Á và căn bệnh thành tích theo kiểu đến hẹn lại lên, năm chẵn đá AFF Cup, năm lẻ chơi SEA Games.
Việc đối xử với HLV Goetz cũng là một trong những nguyên nhân khiến các thầy nội không yên tâm và không đủ can đảm để bỏ CLB mà gắn với đội tuyển như yêu cầu của Tổng cục TDTT. Ảnh: XUÂN HUY
Ông Calisto từ sau lần đưa đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, ông dần nghiệm ra mình như một người leo dốc cần cù, đến đỉnh rồi đi tiếp thì chỉ có nước đi xuống.
Cho đến thất bại phũ phàng của ông Goetz ở SEA Games 26, LĐBĐ VN mới trở về phương án cây nhà lá vườn. Nghiệt ngã là quan điểm của Tổng cục TDTT không tương thích với các ứng viên trong khi vai trò của LĐBĐ VN và đặc biệt là Hội đồng HLV quốc gia vẫn không đủ cơ sở biện chứng để thuyết minh lẫn thuyết phục cho cả hai bên.
Càng không thể “ép” thầy nội phải lên nắm đội tuyển trong trạng thái miễn cưỡng, dù LĐBĐ VN hoàn toàn có thể tác động từ nhiều phía để HLV gật đầu.
Trong thời điểm cần kíp có HLV cho đội tuyển và bối cảnh gặt hái từng mùa vụ (AFF Cup vào cuối năm nay), khi mà Tổng cục TDTT và LĐBĐ VN chưa thể dung hòa giữa cái mình có (thầy nội chuyên trách ngắn hạn mỗi đợt tập trung) với cái mình cần (chuyên trách dài hạn hai năm) thì rối vẫn sẽ hoàn rối.
Chuyện mời thầy của bóng đá Việt Nam giống hệt như lời ông cựu Trưởng bộ môn bóng đá kiêm Tổng Thư ký LĐBĐ VN Trần Bảy: Bóng đá Việt Nam làm việc theo chu kỳ lật xuôi, lật ngược có khác gì con kiến mà leo cành đa, hôm nay leo ra, mai lại leo vào. Và nếu làm thống kê thì các bạn sẽ thấy người ta làm sai kế hoạch này rồi lại kéo nhau quay về kế hoạch cũ và cứ thế lật đi lật lại…”.
Các thầy ở Việt Nam hay sợ bệnh lên tuyển mà không có quân Căn bệnh lên tuyển phải có quân đã từng tồn tại từ thời kỳ đầu thành lập đội tuyển. Đó là năm 1991 khi tập trung cho SEA Games 16 Tổng cục TDTT mời hai HLV Vũ Văn Tư (Quảng Nam Đà Nẵng) và Nguyễn Kim Hằng (Hải quan) vì đội dự tuyển khi đấy có sáu cầu thủ Quảng Nam Đà Nẵng và sáu cầu thủ Hải quan. Sau sự cố 11 cầu thủ bỏ về vì điều kiện tập luyện quá kém, Tổng cục TDTT mới bổ sung HLV Nguyễn Sĩ Hiển (Thể Công) vào ban huấn luyện và đặc cách lên HLV trưởng. Lập tức danh sách đội tuyển cũng bổ sung gấp tám cầu thủ Thể Công để HLV Sĩ Hiển yên tâm có quân của mình mà làm công tác huấn luyện. Sang đến SEA Games 17 HLV Trần Bình Sự (CA Hải Phòng) được đề cử làm HLV trưởng và thời điểm ấy ông Sự vì có ít quân mà bị phá. Điển hình là nhiều cầu thủ của các CLB khác chống ông Sự ra mặt. Thậm chí là cố tình đá bỏ nhận thẻ đỏ để đi shopping mặc cho đội tuyển chèo chống. Nỗi khổ của HLV Việt Nam là lên đội tuyển rồi nhưng vẫn chịu căn bệnh đấy và rất hay bị chi phối chuyện quân anh, quân tôi. Điều mà Tổng cục TDTT biết, LĐBĐ VN biết nhưng vẫn chưa thể tìm những giải pháp tốt hơn và đấy là lý do suốt thời gian dài từ năm 1995 đến 2011 bóng đá Việt Nam cứ phải ấn vào thầy ngoại để hạn chế những vấn đề thuộc nội bộ khó giải quyết. NGUYỄN NGUYÊN |
CÔNG TUẤN