Ngày 31-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản hướng dẫn việc cấp Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp tại TCTD.
Theo đó, TCTD có trách nhiệm cấp cho bên thế chấp một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp khi TCTD nhận thế chấp phương tiện giao thông. Thời gian cấp là không quá 7 ngày làm việc, tính từ ngày TCTD nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đối với trường hợp cấp mới; hoặc từ ngày nhận được yêu cầu của bên thế chấp đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
Nội dung Giấy biên nhận thế chấp gồm: Tên gọi Giấy biên nhận thế chấp; Số Giấy biên nhận thế chấp; Tên, địa chỉ của TCTD nhận thế chấp; Tên của bên thế chấp; Số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc số chứng minh quân nhân đối với bên thế chấp là cá nhân; Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc số giấy phép đầu tư hoặc số giấy chứng nhận đầu tư hoặc số quyết định thành lập đối với bên thế chấp là pháp nhân; Số giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, loại phương tiện giao thông, số khung, số máy, biển kiểm soát của phương tiện giao thông.
Nội dung Giấy biên nhận thế chấp cũng ghi rõ thời hạn có hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp; Lần cấp lại, số Giấy biên nhận thế chấp được thay thế đối với trường hợp cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
NHNN lưu ý, đối với các trường hợp thế chấp phương tiện giao thông trước ngày 1-9-2017 thì trong vòng 30 ngày kể từ 31-8-2017, TCTD có trách nhiệm thông báo cho bên thế chấp về việc cấp Giấy biên nhận thế chấp cho phương tiện giao thông đang thế chấp tại TCTD. Sau đó, các TCTC có trách nhiệm cấp một bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông và một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp.
Theo NHNN, những văn bản xác nhận của TCTD về việc giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã cấp trước ngày 1-9-2017 sẽ không có giá trị kể từ 1-12-2017.