Sáng 17-12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá theo thời gian, hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội thảo. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Từ góc độ cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu thực tế: Những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại.
Hiện tượng phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ; một số biểu hiện, xu hướng lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật… chưa được khắc phục.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QH |
Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Những tệ nạn, tiêu cực trong hoạt động, quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.
Chất lượng sáng tạo các giá trị văn hóa mới còn nhiều hạn chế, ít các công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khoa học cao.
Hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản chưa gắn bó thường xuyên, chặt chẽ, chưa phục vụ tích cực yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Xu hướng "thương mại hóa", "bệnh thành tích", chạy theo bề nổi… chưa được khắc phục; vẫn còn những hoạt động, những sản phẩm kém chất lượng, "phản văn hóa". Hiệu quả hội nhập quốc tế về văn hóa còn một số mặt bất cập.
Xuất khẩu văn hóa còn nhiều thách thức
Trong phiên thảo luận, GS-TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng cơ chế quản lý trong lĩnh vực văn hóa cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhấn mạnh những gì pháp luật không cấm thì công dân, tổ chức, nhà sản xuất có quyền làm để từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, đa dạng văn hóa.
Theo bà Loan cần tập trung tháo gỡ 5 nhóm giải pháp căn cơ, mà đầu tiên là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Hiện việc thể chế hóa đường lối chủ trương phát triển hóa còn chậm và chưa phù hợp với thực tế.
Dẫn chứng là trong nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm thì mới được điều chỉnh ở tầm nghị định.
GS-TS Từ Thị Loan phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH |
Bình luận sau phát biểu của GS.TS Từ Thị Loan, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh vừa được thông qua là một trong những luật điện ảnh tiến bộ nhất trong nền điện ảnh châu Á, cập nhật nhiều kinh nghiệm phát triển điện ảnh thế giới, với nhiều quy định mới về lưu trữ số, việc tổ chức liên hoan phim, tuần phim… và nhiều vấn đề khác để huy động nguồn lực phát triển điện ảnh.
Trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm là tiền kiểm – hậu kiểm. Tại luật này, Bộ VH-TT&DL hướng tới giảm bớt tiền kiểm, gia tăng hậu kiểm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt để đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý và phát triển ngành điện ảnh.
Nhạc sĩ, Nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho biết, nhu cầu biểu diễn thực tế không chỉ là những đoàn diễn giao lưu mang tính ngoại giao. Cần nhận thức rằng xuất khẩu sản phẩm văn hóa, đặc biệt là các tác phẩm biểu diễn, điện ảnh, âm nhạc là rất quan trọng.
Nhạc sĩ, Nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, việc xuất khẩu văn hóa của ta còn đối mặt nhiều thách thức. Trong đó việc đầu tư về thời gian, nguồn lực và sự tập trung trong sáng tạo cho một sản phẩm nghệ thuật còn quá thấp so với thế giới. Nền âm nhạc còn chưa đủ mạnh, không đủ để đề kháng trước những làn sóng văn hóa nước ngoài.
Vì vậy, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cần có sự đánh giá khách quan, đánh giá đa chiều đối với năng lực sáng tạo, sản xuất thật sự của nền nghệ thuật nước nhà để có giải pháp xây dựng, phát triển phù hợp.