Tuy nhiên, sử học và việc dạy sử trong nhà trường (với tính cách là một hợp thể của ba bộ phận hợp thành: Dạy cái gì, dạy như thế nào và tại sao lại dạy như vậy) lại là một vấn đề có tính khoa học nghiêm ngặt quyết định hiệu quả dạy sử trong nhà trường.
Bao nhiêu thì đủ?
Là môt người yêu sử từ trong máu thịt và với chút đỉnh hiểu biết về khoa học sư phạm, tôi xin trao đổi một số vấn đề như sau:
Trước hết, dạy cái gì có liên quan đến chương trình và sách giáo khoa. Qua quan sát của cá nhân, tôi biết một bộ phận học sinh còn ngại, ngán môn sử. Ngay cả trong ngành giáo dục, cũng có người phàn nàn sách giáo khoa lịch sử hình như được biên soạn để đào tạo ra nhà sử học. Trong khi đó, giáo dục thế giới đã chuyển sang xu hướng tiếp cận năng lực từ lâu. Theo đó, cùng với các môn học khác, môn sử chỉ cần trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, sơ giản về lịch sử nhân loại và dân tộc như một phần của những giá trị văn hóa trong quá khứ để sau này, khi ra đời, tùy theo điều kiện, sở thích, nhu cầu, các em có thể tiếp tục học, tìm hiểu, bổ túc,…kiến thức lịch sử ở bất cứ nơi nào và lúc nào.
Lịch sử là quá khứ. Chính tính chất này đã khiến cho lịch sử trở thành một khách thể lưỡng tính.
Thứ nhất, do gián cách với hiện tại, quá khứ bao giờ cũng có ưu thế trong việc kích thích trí tưởng tượng của con người và vì thế mà lịch sử trở nên có chất thơ và sức hấp dẫn một cách tự nhiên. Thế nhưng chính bài vở nặng nề và áp lực thi cử lại khiến một bộ phận học sinh thay vì/hoặc đang thấy sử hấp dẫn bỗng thấy ngán ngại môn sử. Nếu những lời phàn nàn trên kia là đúng thì đây là điều đáng tiếc.
Ví dụ, tôi đã thử làm một phép tính đơn giản: Một sinh viên chuyên ngành sư phạm lịch sử, theo chương trình đào tạo được ban hành tại Quyết định số 15/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 10/6/2004 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trừ các học phần có tính chất kiến thức đại cương, kiến thức nghiệp vụ sư phạm chung, thì trong phạm vi cơ sở ngành và chuyên ngành, ngoài các môn về phương pháp dạy học sử, sinh viên ấy sẽ được học các học phần sau:
STT | Tên học phần | Số đơn vị học trình |
1 | Một số vấn đề về lịch sử xã hội nguyên thủy, cổ đại và trung đại | 4 |
2 | Phương Tây và các nước Á, Phi, Mỹ La tinh thời cận đại | 4 |
3 | Quan hệ quốc tế và Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) | 1 |
4 | Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực từ 1917 đến nay | 2 |
5 | Các nước tư bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến nay | 2 |
6 | Các nước Á Phi, Mỹ La tinh từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến nay | 2 |
7 | Quan hệ quốc tế từ 1918-đến nay. Chiến tranh Thế giới thứ hai | 1 |
8 | Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X | 2 |
9 | Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVI | 2 |
10 | Lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XVI đến 1858 | 3 |
11 | Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1918 | 2 |
12 | Lịch sử Việt Nam từ 1918 đến 1945 | 3 |
13 | Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1954 | 2 |
14 | Lịch sử Việt Nam từ 1954 đến 1975 | 3 |
15 | Lịch sử Việt Nam từ 1975 đến nay | 2 |
Trong khi đó, ở phổ thông, từ lớp 4 đến lớp 12, học sinh được học gần như môt bản sao như vậy. Chỉ tính từ lớp 6 đến lớp 12, trừ trang bìa trong và phần mục lục, học sinh sẽ phải đọc và học 1.149 trang sách lịch sử - một con số không nhỏ khi mà lịch sử trùng điệp sự kiện và ngày tháng, những con người và số phận đã khuất.
Một trong những nguyên tắc xây dựng chương trình ở phổ thông là nguyên tắc đồng tâm. Nguyên tắc đồng tâm yêu cầu kiến thức và kỹ năng của lớp trên, bậc học trên bao hàm kiến thức và kỹ năng của lớp dưới, bậc học dưới nhưng cao hơn và sâu hơn. Chúng ta đều biết, về cơ chế tâm lý, con người chỉ háo hức khi cái mà người ta sắp tiếp cận là cái mới hoặc là cái đã biết nhưng chứa đựng những khía cạnh mới. Do đó, nếu nguyên tắc đồng tâm không được thực hiện tốt thì sẽ làm cho học sinh cảm thấy nhàm chán. Sự không tốt ở đây thể hiện ở hai phương diện:
- Có thể bài học ở lớp cao hơn lặp lại y nguyên kiến thức mà học sinh đã học ở lớp thấp hơn. Các chuyên gia, các nhà soạn sách thử tổng rà soát lại xem điều này có xảy ra không.
- Hoặc chương trình lịch sử ở phổ thông thực sự được thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm nhưng giáo viên không làm rõ nên học sinh ngộ nhận là học lại bài cũ nên không có cảm hứng để chuẩn bị, để khởi động tâm thế tiếp cận bài học. Có hiện tượng giáo viên dạy theo kiểu đánh giáp lá cà từng bài mà bỏ qua tính hệ thống của chương trình không?
Giáo viên lịch sử phải khác
Một trong những yêu cầu cần đạt, cần có nơi giáo viên là giọng nói và ngôn ngữ . Ảnh: PetroTimes
Thứ hai, do là cái đã qua, lịch sử chứa đựng trong nó không ít những sự kiện, yếu tố, hoạt động, trạng thái… có tính lạ lẫm đối với học sinh ngày nay (cấu trúc xã hội, nghề nghiệp, nhân sinh quan, thế giới quan, phong tục, cách ứng xử…). Đây chính là sự bất lợi của môn sử so với những môn khác. Để tái hiện những câu chuyện thuôc về dĩ vãng nằm im lìm trong những trang sách, người giáo viên sử dụng một loạt những phương pháp, biện pháp dạy học, huy động nhiều trang thiết bị… Nhưng chừng đó là chưa đủ. Ở đây, theo tôi, một trong những yêu cầu cần đạt, cần có nơi giáo viên là giọng nói và ngôn ngữ.
Giọng nói là công cụ lao động đặc thù của nghề giáo nói chung. Nhưng đối với môn sử, giọng nói của giáo viên rất quan trọng, thậm chí còn phải được đòi hỏi bằng hoặc cao hơn cả giáo viên văn. Mọi người đều công nhận điều này: Không phải với bài học nào giáo viên cũng có thể chia nhóm thảo luận, không thể đàm thoại từ đầu tới cuối, cũng không thể giờ nào cũng cho học sinh thuyết trình. Nếu chuẩn bị bài giảng một cách chu đáo, nào là sa bàn, hình ảnh, bảng phụ, video clip mà chất giọng không hay, ngôn ngữ diễn giảng không tốt, khó mà làm sống lại một sự kiện, biến một sự việc nằm trên trang sách trở thành một sinh thể trong giờ học. Vì vậy, giáo viên phải:
- Có chất giọng rõ, dễ nghe, kỹ thuật ngữ điệu phù hợp với nội dung bài học, không khác gì giáo viên ngữ văn khi kể chuyện, đọc diễn cảm.
- Ngôn ngữ diễn giảng phải sáng tạo, sinh động. Tất cả học sinh đều có sách giáo khoa. Ngôn ngữ trong sách là ngôn ngữ viết, nó mang phong cách khoa học: Chuẩn mực, trung tính và… khô khan. Nếu ngôn ngữ diễn giảng của giáo viên y hệt câu văn trong sách thì chán chết và đó là một giờ đọc chính tả lịch sử có minh họa. Chỉ có với ngôn ngữ như thế, giọng giảng như thế thì tượng đồng, bia đá, những câu chuyện nằm trong thư tịch cổ mới sống lại và tham gia hành binh cùng con cháu ra bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa trong sự nghiệp bảo vệ bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Có thể nhiều người cho rằng đây là một đề xuất lẩn thẩn: Chúng ta thử rà soát lại đội ngũ giáo viên dạy sử về chất giọng, về năng lực diễn đạt. Và trong tương lai, chúng ta cần tạo ra cơ chế động lực để tuyển người dạy sử có chất giọng và năng lực ngôn ngữ tốt (bên cạnh thi các môn văn hóa, phải kiểm tra giọng nói, có chính sách đặc thù sau khi ra trường…). Muốn dân tộc trường tồn, cả về chủ quyền, thể chất và linh hồn thì chúng ta không thể không đầu tư cho giáo viên dạy sử.
Nỗi lòng người Việt
Trong nhà trường phổ thông hiện không có môn Văn hóa Việt Nam. Sau này, khi vào học trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ở các nhóm ngành như xã hội-nhân văn, nghệ thuật, du lịch, một số chuyên ngành của ngành sư phạm,… người học mới được học môn này. Vậy thì hành trang văn hóa của học sinh phổ thông được tạo dựng từ đâu nếu không phải là môn sử?
Ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế khách quan, nếu việc dạy và học môn sử không đạt hiệu quả như mong muốn thì mai đây, trên những đại lộ của thế giới trong thế kỷ XXI, ta sẽ bắt gặp những người mang quốc tịch Việt Nam nói tiếng Anh như gió, sử dụng máy vi tính rào rào nhưng mang hồn thế giới. Đó chính là những công dân Việt Nam bị hòa tan trong quá trình hòa nhập do đánh mất “căn cước” văn hóa. Lúc đó, tuy “tiếng ta còn” nhưng coi chừng “Hồn ở đâu bây giờ?” (Ông đồ - Vũ Đình Liên).
Hiện nay, một số người lo lắng, nếu tích hợp không khéo (Chương trình phổ thông mới, dự kiến được Bộ GD&ĐT triển khai năm 2018), sử học sẽ bị biến thành hoặc hạ xuống thành giáo dục lịch sử. Đây là vấn đề của các chuyên gia, tôi không dám lạm bàn.
Là một phụ huynh, tôi chỉ mong dù sẽ là sử học hay giáo dục lịch sử, miễn sao thầy cô giáo giúp cho con cháu tôi được đắm mình, trò chuyện với những người đã khuất trong giờ sử, mãi yêu thích môn sử như các cháu đang thích và mai sau, “dù ở đâu, Luân Đôn, Paris hay những miền xa”, nếu một người nước ngoài hỏi: “Where are you from?”, các cháu trả lời ngay hai tiếng Việt Nam với một niềm tự hào. Niềm tự hào ấy được nuôi từ nguồn dưỡng chất mà mỗi bài học lịch sử là một cái lòng đỏ trứng gà mang nhãn hiệu VIỆT viết hoa.