Nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ sự lo lắng về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT đã “khai tử” và “xóa bỏ” môn lịch sử. Nhiều GS, Nhà nghiên cứu sử học, giảng viên dạy lịch sử lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Bộ GD&ĐT phải coi lịch sử là môn học bắt buộc và môn độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nói về việc dạy và học môn Sử. Nguồn: Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai/YouTube
Thượng tướng, PGS-TS Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, gửi tham luận tới hội thảo, cho rằng dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt, góp phần nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh, qua đó giúp các em hiểu biết quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay.
Theo ông Trung, nếu không dạy cho thế hệ trẻ môn lịch sử thì chẳng khác nào làm cho cuộc sống của họ như “cây không có gốc”, “suối không có nguồn”, khó có thể phát triển toàn diện, bền vững.
Ông Trung đề nghị Bộ GD&ĐT cần chỉnh sửa lại dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn lịch sử về đúng vị trí, vai trò của nó, xác định lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông nước ta. Tiếp tục làm rõ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy học môn lịch sử, không ai coi đó là môn học tự chọn.
“Nếu môn lịch sử không phải là môn học chính, bắt buộc ở bậc học phổ thông thì sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý môn học này, làm cho đội ngũ người thầy không muốn dạy lịch sử và học sinh cũng không muốn học môn lịch sử và khi đó thì lịch sử dân tộc sẽ ra sao?
Ai là người chịu trách nhiệm cả tiền nhân và hậu thế về sự thật lịch sử này? Đến một lúc nào đó chính thế hệ được giáo dục bằng dự thảo chương trình này sẽ quay lưng lại với tổ tiên và ông cha ta, sẽ quay lưng lại với quốc gia dân tộc. Đó là hậu quả khôn lường” - ông Trung lo lắng.
Lên tiếng tại hội thảo, GS Vũ Dương Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội, tỏ vẻ bức xúc khi cho rằng môn lịch sử có số phận rất long đong khi bị coi nhẹ ở phổ thông. “Cho đến hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp” môn lịch sử đã biến mất khỏi chương trình với tư cách một nhà khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng. Được giải thích rằng nó được vận dụng vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Quả thật tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không” - GS Ninh đặt câu hỏi.
GS Ninh khẳng định: Có thể thấy rõ môn lịch sử đã bị đầy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt.