'Môn nào cũng dễ, không biết trường ĐH tuyển ra sao?'

Đề dễ và cơ bản quá! 

Tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, em Võ Hoàng Nhã Hân cho biết em làm bài khá tốt. Vì thi tổ hợp nhưng cả ba môn đề ra nhẹ nhàng và vừa sức trong chương trình đã học nên em làm được. Theo Hân, môn sử hơi khó vì có nhiều câu liên hệ thực tiễn.

Hân cho hay mỗi môn có khoảng 80% câu hỏi trong sách nên em làm được, còn lại là các câu liên hệ thực tiễn nhưng không quá khó. Như môn địa lý, có nhiều câu chỉ nhìn vào Atlat là làm được. Em thấy thi tổ hợp nhưng đề thi vừa sức nên làm bài thoải mái hơn.

Em Nguyễn Như Hoa Hồng, cũng là HS Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), cho hay mỗi môn em làm được khoảng 80% vì đề năm nay không nặng học thuộc nhiều.

Ví dụ, môn lịch sử các câu hỏi không ra dạng hỏi về thời gian hay số liệu mà chủ yếu là những nội dung cơ bản đã học ở lớp nên em làm được. Hay như môn địa lý, chủ yếu ra những nội dung về kinh tế vùng và từ kiến thức Atlat chứ không phải nhớ số liệu. Còn môn giáo dục công dân đều có những câu hỏi từ thực tế đời sống. Các môn đều không nặng học thuộc và câu hỏi rõ ràng.

Em Hoàng Phú, thi tại điểm này, hồ hởi khoe làm được cả ba môn vì em theo xã hội nên học rất kỹ và đề ra toàn câu cơ bản thôi. Bạn nào học rồi sẽ làm được chứ không phải vắt óc suy nghĩ như lúc trước thi tự luận. Môn địa lý và giáo dục công dân em làm tốt nhất, thấp cũng đạt 7 điểm. Còn lịch sử thì em không chắc.

Theo Phú, em thấy thi trắc nghiệm rất nhẹ nhàng và khi ôn tập cũng thế, giáo viên ôn và lọc kiến thức rất kỹ. Dù thi liên tục nhưng đề không khó và không suy nghĩ nhiều nên em không thấy mệt. Tuy nhiên, theo Phú, điều em lo lắng là môn nào đề cũng ra dễ và cơ bản như thế thì không biết điểm các trường xét thế nào. Em thấy hỏi bạn nào cũng làm được bài thì tốt nghiệp không lo điểm thấp nhưng không biết các trường ĐH có thay đổi cách xét tuyển không.

Thí sinh vừa rời khỏi điểm thi Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM.

Đề thi đơn giản thôi nhưng thời gian thi dài quá! 

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, em Nguyễn Ngọc Duy chia sẻ: "Ban đầu thì có hơi bỡ ngỡ nhưng theo thời gian thì nhà trường ôn tập cho tụi em kịp thời nên nói chung tụi em làm bài cũng tương đối. Em thấy thật sự là hơi mệt mỏi khi thời gian thi quá dài. Nhất là môn công dân, em khổ với môn này lắm. Nó hơi khô bởi vì kiến thức về pháp luật nhiều quá. Nhưng đối với em thì em chọn công dân nên em rất thích". 

Một thí sinh vừa rời khỏi phòng thi tại Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Tại điểm thi Trường THCS Âu Lạc, Trương Văn Nam, thí sinh tự do tại điểm thi này chỉ thi môn lịch sử, cho biết: "Đối với môn thi trắc nghiệm lịch sử, em nghĩ không nhất thiết phải học thuộc nhiều, học thuộc chính xác. Mình có thể dựa vào đáp án để nhớ lại và làm bài. Nội dung trong đề bao quát, dàn trải từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam. Hôm nay em làm bài khá tốt". 

Môn lịch sử chỉ cần thông hiểu sự kiện là chọn được 

Nhiều thí sinh tự do đã kết thúc phần thi của mình sau khi làm bài hai môn thành phần lịch sử, địa lý của môn thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH). Các thí sinh lớp 12 vẫn đang tiếp tục với phần thi môn giáo dục công dân. 

Thí sinh Võ Trần Bích Thảo hớn hở kết thúc phần thi của mình. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tại điểm thi Trường THCS Lương Thế Vinh, thí sinh Võ Trần Bích Thảo mặt hớn hở rời điểm thi, cho biết: “Năm nay sử, địa thi trắc nghiệm mình thấy nhẹ hơn thi tự luận nhiều. Đề thi sử, địa có cấu trúc phân nửa rất là dễ, các bạn sẽ đạt điểm trung bình nhiều hơn. Theo mình thì việc thi tổ hợp trắc nghiệm thì quá trình ôn thi cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì chỉ cần nhớ dạng câu hỏi, sự kiện là mình có thể chọn đáp án. Riêng đề sử, nội dung đề hỏi về sự kiện nhiều hơn. Đặc biệt là dạng câu hỏi thông hiểu rất nhiều, từ một sự kiện lịch sử mình sẽ suy nghĩ để chọn câu trả lời”.

Thí sinh Đồng Thị Ngọc Hân, vợ anh kiểm sát viên mang con chín tháng tuổi theo vợ đi thi, cho biết: "Cả đề thi sử và địa đều dễ hơn những năm trước, nằm trong chương trình ôn thi của tôi". 

Vợ chồng anh kiểm sát viên hạnh phúc chở nhau ra về sau khi vợ đã hoàn thành xong nhiệm vụ thi cử. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Nói xong, chị quày quả bồng con, lên xe để chồng chở về... 

Thí sinh Trần Vũ Uyên Phương, điểm thi Trường THPT Châu Văn Liêm, chia sẻ: “Việc chuyển đổi các môn tổ hợp xã hội như vậy có lợi cho học sinh. Tuy nhiên, thí sinh làm bài cực hơn vì thời gian dàn trải thí sinh phải làm bài liên tục ba môn. Lần đầu môn sử, địa thi trắc nghiệm thì em thấy lạ nhưng nó có cái hay, tạo sự mới mẻ, thú vị cho học sinh hơn là thi tự luận cứ học vẹt".

Thí sinh Trần Vũ Uyên Phương tươi cười, cho biết: Kỳ thi rút ngắn thời gian nên quá khỏe. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đối với môn thi giáo dục công dân, em thấy rất hữu ích. Đề hỏi nhiều về các kiến thức pháp luật, câu hỏi tình huống gần với đời sống xã hội”.

Đánh giá về mùa thi năm nay, em Phương cho rằng: “Thời gian thi rút ngắn đi hai ngày, rất đỡ cho học sinh. Em thấy kỳ thi của mình rất tốt đẹp. Trước khi thi em đã xác định là mình đậu tốt nghiệp. Còn đại học em xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh, cái này thì phải đợi kết quả thôi” - Phương tươi cười nói. 

Đề thi quá dễ thở 

Thí sinh hớn hở ra về trong sự chào đón nồng nhiệt của các tình nguyện viên. Ảnh: PHI HÙNG

Tại Hà Nội, sau khi kết thúc bài thi KHXH, mặc dù thời tiết ngoài trời đang rất nắng, oi bức nhưng các thí sinh không hề cảm thấy khó chịu vì hầu hết các em đều cảm thấy dễ thở với bài thi này. 

'Môn nào cũng dễ, không biết trường ĐH tuyển ra sao?' ảnh 7
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Em Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết bài thi KHXH vừa sức với em. Anh cho hay em thấy khó với một vài câu hỏi môn sử cần sự tư duy, một phần là do em chưa ôn kỹ nội dung một vài chỗ trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, Anh tự tin mỗi môn phải đạt số điểm 7-9. Dự định của thí sinh này là xét tuyển vào Trường Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Còn thí sinh Nguyễn Mỹ Hạnh cho biết: "Đề thi ở mức trung bình, em cảm thấy nhẹ nhàng, chỉ có môn sử là khó nhất, hai môn còn lại thì điểm chắc chắn sẽ cao". Lý do được thí sinh này đưa ra là năm nay là năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm đối với các môn xã hội (trừ môn văn). Do vậy thí sinh chỉ cần nhớ và tư duy một chút là có thể chọn được đáp án đúng, không cần máy móc, thuộc lòng quá.

Ngoài ra, Hạnh cũng chia sẻ thêm em rất ủng hộ kỳ thi này bởi mọi người đều cảm thấy nhẹ nhàng, đi thi hoặc thi ra không phải khó chịu vì tắc đường như mọi năm.

Đà Nẵng: Tổ hợp môn xã hội hết học tủ

Lần đầu tiên giáo dục công dân được ứng thi kỳ thi THPT quốc gia xét tốt nghiệp lẫn xét ĐH-CĐ, các bạn thí sinh đều cho rằng rất dễ, không có gì đánh đố.

Bạn Đức Minh (quân nhân, thi xét vào trung cấp cảnh sát tại điểm Trường THPT Nguyễn Hiền, Đà Nẵng) cho biết: “Nội dung trong ba đề thi của môn tổ hợp xã hội, nhất là lịch sử đều trải dài kiến thức, em nghĩ là bạn thí sinh nào ôn tập tốt thì mới làm đúng hết được. Nội dung các môn thi đều bao quát nên không thể học tủ với kiểu đề thi này được. Em làm đúng được khoảng một nửa thôi, chắc vậy! (cười)”.

Bạn Phan Thị Vui (Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng): “Các đề lịch sử khác nhau, có đề phần lịch sử Việt Nam nhiều hơn, có đề phần lịch sử thế giới nhiều hơn. Tùy bạn nào nếu may mắn thì trúng đề mình ôn kỹ phần đó. Riêng địa lý có nhiều câu hỏi đề cập vấn đề môi trường. Các chủ đề được nhắc tới trong các câu hỏi địa lý như về sạt lở ĐBSCL hiện nay, chủ đề ngập mặn, ô nhiễm… Môn giáo dục công dân có thể do lần đầu tiên áp dụng thi nên các đề đều rất dễ, em thấy chỉ cần đọc câu hỏi là có thể biết ngay đáp án, có vài câu thì cần đọc kỹ chút là được". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm