Với nhà khoa học, chuyện vừa kể không có gì lạ. Con người đã khoái món ngọt nhưng có đi kèm vị đăng đắng từ khi còn nương tựa trong lòng mẹ, vì nước bào thai vừa ngọt vừa đắng. Vì thế không lạ gì khi chocolate, cacao, cà phê... trải qua bao thế hệ vẫn luôn là món khoái khẩu của cả ông lẫn bà. Ai chưa đồng ý nên thử xem phim Charlie và xưởng chocolate. Nhớ mang theo chai nước để đừng bị gắt cổ vì truyện phim quá... ngọt!
Đến não cũng ưa ăn ngọt
Trở lại với chocolate. Rất nhiều người nghiện chocolate không thua nghiện game, rượu bia, cá độ… Điều này cũng không có gì khó hiểu. Chất đường và một số hoạt chất khác trong chocolate là cơ sở để cơ thể tổng hợp một loại chất đạm dễ thương có tên là tryptophan. Chất này có lợi điểm là không nằm trong danh sách “cấm doping” của não bộ nên dễ lọt vào hệ thần kinh trung ương. Ở đó tryptophan được hoán chuyển thành serotonin, chất gây êm dịu thần kinh dù trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, chất tạo cảm giác mãn nguyện cho dù đang thiếu thốn. Một miếng chocolate đang lúc mỏi mệt, khi hệ thần kinh sắp hết pin, khi tế bào thần kinh đang đói năng lượng, là liều thuốc chẳng những có tác dụng cấp kỳ mà còn ngon miệng vô cùng. Chocolate đúng là “thuốc gì mà khéo thế!” cho người có lượng đường trong máu xuống thấp vì tiêu hao quá nhiều, như vận động viên, người lao động nặng, học sinh, sinh viên, thầy giáo, bệnh nhân, thầy thuốc... Chocolate cũng là thuốc tốt cho nạn nhân của chứng trầm cảm nhờ chứa nhiều khoáng tố vi lượng cần thiết để yêu người dù người phụ ta, yêu đời dù đời bạc bẽo như kẽm, chrome, mangan...
Để trấn an não bộ, người hảo ngọt sẽ càng mạnh miệng hơn nữa với bánh kẹo để rồi càng lúc càng lún sâu trong mê lộ hảo ngọt không lối thoát.
Món ngọt cũng có món dài món vắn
Dùng chocolate làm quà cho người bệnh chắc chắn có ý nghĩa hơn tấm thiệp màu mè. Thành phần đường đơn trị trong chocolate, loại đường dễ đốt cháy để sinh năng lượng cấp thời cho cơ thể, nếu lạm dụng là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt dưỡng khí trong tế bào. Người quá hảo ngọt theo kiểu không “chè chén” mà chỉ khoái “chén chè” là người sớm không còn khả năng tư duy như lúc ban đầu. Thừa đường trong máu là đòn bẩy khiến thay vào cảm giác thoải mái của serotonin là tình trạng hưng phấn quá đáng cho dù với kích ứng tối thiểu. Khi đó, để trấn an não bộ, người hảo ngọt sẽ càng mạnh miệng hơn nữa với bánh kẹo để rồi càng lúc càng lún sâu trong mê lộ hảo ngọt không lối thoát. Không chỉ thế, loại đường đơn trị trong món ngọt là lý do gây rối loạn toàn bộ quy trình biến dưỡng khiến dòng máu càng lúc càng chua, thay vì phải măn mẵn. Đây cũng chính là lý do gây rối loạn chất điện giải, như vôi, kalium... và dẫn đến xáo trộn trong dẫn truyền thần kinh. Đây cũng là nguyên nhân làm thất thoát nhiều loại sinh tố và khoáng tố vi lượng cần thiết cho hoạt động của hệ miễn nhiễm. Tưởng ăn ngọt mau sung sức là lầm. Lửa rơm chỉ được nước dễ nhóm nhưng mau tàn.
Xài hoài mau mòn bố thắng
Sự hiện diện quá thường của loại đường đơn trị buộc tụy tạng phải làm việc liên tục để sản xuất nội tiết tố insulin nhằm điều chỉnh lượng đường trong máu. Bệnh tiểu đường ở người hảo ngọt chỉ là vấn đề thời gian với bước “đột phá” khó tránh khi cơ thể bước vào tuổi 50, khi tụy tạng vào lúc đó bao giờ cũng có nhiều cơn khủng hoảng vì đã mệt nhoài trên đường đua quá dài, nhất là khi phía sau có thêm bàn tay đánh lén của rối loạn nội tiết tố ở đàn ông mãn dục, đàn bà mãn kinh. Đừng quên, đàn ông cũng có giai đoạn tương tự “mãn kinh”, dù không rõ ràng như ở các bà nhưng thậm chí sớm hơn, nhiều khi bắt đầu ở tuổi 40!
Thực trạng hảo ngọt càng rõ nét ở phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh. Nhu cầu ăn ngọt bỗng bội tăng nhiều lần gây mất quân bình của nội tiết tố nữ tính. Chính vì thế mà phụ nữ mãn kinh khó giảm cân dù đã mát da mát thịt. Theo kết quả một cuộc thăm dò ở Hoa Kỳ, có đến 65% phụ nữ trong độ tuổi 50-60 đã xếp hạng chocolate ở vị trí cao hơn... sex! Cần gì phải thế, tại sao lại không chấm tất cả đồng hạng nhất theo kiểu “châm chước” cho vui cả làng! Hai trong một chẳng phải khéo hơn hay sao?
Nói qua nói lại mới toại lòng nhau
Thêm một điểm bên lề cho trọn nghĩa phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Khuynh hướng ăn ngọt là điều khó tránh vì gắn liền với bản chất cơ tạng của con người, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Phân tích nêu trên cho thấy phụ nữ do ảnh hưởng của nội tiết tố thậm chí còn khoái món ngọt hơn xa nam giới. Ấy thế mà tật “hảo ngọt” lại thường được gán cho giới đàn ông! Phải nói ngay cho rõ, tật khác với bệnh. Tật hảo ngọt không liên quan gì với bánh kẹo. Theo định nghĩa trong y khoa, gọi là tật khi chữa không được! Trên thực tế, đàn ông nếu có mang tính hảo ngọt chẳng qua chỉ vì không khéo như các bà.
Thử hỏi, cuộc sống trên Trái đất này sẽ ra sao nếu tất cả đàn ông bỗng dưng hết... hảo ngọt? Chán chết đi thôi!