Chất ngọt quả thực rất kích thích vị giác của con người. Nó khiến người ta “mê muội” tìm đến thưởng thức. Trong nhiều trường hợp, chất ngọtgiúp con người cảm thấy sảng khoái hơn, khoẻ khoắn hơn. Thế nhưng, đằng sau sự ngọt ngào ấy lại chứa đựng rất nhiều nguy hại cho sức khoẻ nếu chúng ta dùng đồ ngọt không có giới hạn.
Gây ra tình trạng glucôzơ trong máu, làm cơ thể suy nhược và mệt mỏi: Lượng đường trong máu không ổn định sẽ dẫn tới mệt mỏi, đau đầu và thèm ăn đường nhiều hơn. Sự thèm thuồng đó chuẩn bị cho một chu kỳ nghiện đường mà mỗi khi bạn nạp thêm đường vào cơ thể bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một cách tạm thời. Nhưng chỉ một vài giờ sau, bạn lại cảm thấy thèm đường và đói.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim: Những công trình nghiên cứu trên quy mô lớn đã chỉ ra rằng càng ăn nhiều các loại thức ăn có hàm lượng glycemic cao (tác động nhanh chóng đến lượng đường trong máu) trong đó bao gồm các loại thức ăn có chứa đường thì nguy cơ trở nên béo phì, phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim ngày càng cao và có thể liên quan đến nhiều loại ung thư.
Cản trở chức năng miễn dịch của cơ thể: Những nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng đường ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của cơ thể. Ăn nhiều đường sẽ làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng không tốt đến chức năng miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì và tiểu đường, đồng thời đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Gây thiếu chất crôm: Nếu bạn ăn quá nhiều đường và các loại thực phẩm giàu hydratcacbon đã qua tinh chế, rất có thể cơ thể bạn sẽ có dấu hiệu thiếu chất khoáng crôm mà một trong những chức năng chính của nó là giúp điều hoà lượng đường trong máu. Crôm có nhiều trong các loại thịt, hải sản và thức ăn thực vật. Các loại tinh bột đã qua tinh chế và các loại thực phẩm nhiều hydratcacbon khác đã “cướp” mất nguồn cung cấp crôm trong các loại thực phẩm này.
Đẩy nhanh quá trình lão hoá: Một phần lượng đường bạn hấp thụ, sau khi vào trong máu cũng trở thành protein. Những phân tử mới này góp phần làm mất đi tính đàn hồi của các mô đang bị lão hoá, từ da cho đến các bộ phận và động mạch. Càng nhiều lượng đường lưu thông trong máu thì càng đẩy nhanh quá trình lão hoá.
Gây sâu răng: Với tất cả những tác động nguy hiểm trên của đường, đôi khi chúng ta quên mất tác hại chủ yếu nhất mà nó gây ra. Khi đường bám vào răng, khả năng gây sâu răng của nó cao hơn tất cả các loại thức ăn khác.
Gây ra các bệnh về răng lợi, từ đó có thể dẫn đến bệnh tim: Việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại như nhiễm khuẩn lợi là một trong những tác nhân thúc đẩy sự phát triển bệnh liên quan đến động mạch vành.
Ngăn cản sự hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng: Những người ăn nhiều đường thì khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, phốtpho, magiê và sắt. Thật trớ trêu là những người hấp thụ nhiều đường nhất lại là trẻ em và thanh thiếu niên, những cá thể cần đến nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Gây stress: Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến việc kích thích các hormon gây ra tình trạng cáu kỉnh, bực bội. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên học cách kiềm chế trước các món ăn ngọt ngào đó.
Theo Hoài An/SKĐS