Một cách thu để tránh lạm dụng

Luật Thuế TNCN năm 2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN năm 2012 đều đưa ra hai mức thuế suất 25%, 2%. Nghị định 65/2013 hướng dẫn luật thuế mới để thay thế Nghị định 100/2008 cũng quy định như nhau cách áp dụng hai mức thuế suất này. Tuy hiện chưa có thông tư chi tiết hóa Nghị định 65 nhưng với ít nhất là sáu thông tư của thời Nghị định 100 (và cả chục công văn của Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế) chỉ vẽ hết sức chi tiết cách thu, cớ gì giờ các cơ quan thuế kêu vướng?

Theo luật định, cá nhân mua bán nhà, đất được áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập chuyển nhượng (= giá bán - giá vốn và chi phí liên quan) kèm theo điều kiện bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Thế nhưng thử điểm lại xem từ năm 2009 (thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực) đến nay, có mấy người (được) nộp 25%? Đặt vấn đề vậy vì trước giờ cơ quan thuế các cấp không hề được giao thẩm quyền cung cấp hóa đơn cho người bán để xuất cho người mua; cá nhân người bán lại càng không được quyền tự in hóa đơn để giao cho người mua. Trừ rất ít trường hợp thanh toán bằng chuyển khoản giữa hai tài khoản ngân hàng của hai bên mua, bán thì có lẽ hầu hết hoạt động mua, bán nhà, đất giữa các cá nhân với nhau đều không thể có hóa đơn để chứng minh giá vốn. Các chi phí liên quan cũng khó có chứng từ chứng minh. Từ chỗ đó, hầu hết phải đóng 2% theo giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng (nếu cao hơn bảng giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định). Vậy có cần tiếp tục duy trì mức 25% dễ dẫn đến sự lạm dụng để tận thu do mức thuế suất này cho ra chênh lệch rất lớn so với mức 2%? Chưa kể, sự tùy tiện của cơ quan thuế còn được nhận diện khi cùng dựa vào hợp đồng công chứng ghi giá mua, giá bán nhưng khi bán lời (giá bán cao hơn giá mua) thì thu 25% trên phần chênh lệch, còn nếu bán huề vốn hoặc bán lỗ (giá bán bằng hoặc thấp hơn giá mua) thì chuyển sang thu 2% trên giá chuyển nhượng!

Còn nhớ trước đây một phó phòng Chính sách thẩm định giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) từng kiến nghị và nhận được nhiều sự đồng tình về việc “chỉ nên áp dụng phương pháp 2%”. Ứng với những phiền hà, thiệt hại không phải là không tính được mà nhiều người dân đã và đang phải gánh chịu từ các cơ quan thuế, đề xuất này xem ra còn nguyên giá trị.

Việc thu thuế cần đơn giản, hợp lý và nhất là không được gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Chỉ có như thế, người dân mới không tìm cách lách thuế và cơ quan thuế cũng không thể nại ra bất cứ lý do gì để làm phát sinh những ách tắc không đáng có.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới