Vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM tổ chức kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thần Tài (phường 11, quận 6, TP.HCM), nơi sản xuất phụ gia bánh mì hiệu FIL CO có chất kali bromat (KBrO3), đây là chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm (theo Thông tư 27/2012 của Bộ Y tế).
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra công ty này đã ngưng hoạt động.
Trước đó, Chi cục ATVSTP tỉnh Tiền Giang phát hiện trên địa bàn một số sản phẩm bánh mì có sử dụng phụ gia bánh mì hiệu FIL CO có chất kali bromat do Công ty Thần Tài sản xuất. Ngay sau đó, Cục ATTP (Bộ Y tế) ban hành công văn yêu cầu chi cục ATVSTP các tỉnh, thành phố kiểm tra những cơ sở sản xuất bánh mì. Nếu phát hiện sản phẩm hoặc phụ gia thực phẩm có sử dụng chất kali bromat thì yêu cầu doanh nghiệp (DN) ngừng sản xuất, lưu thông và báo về Cục ATTP để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Hiện Chi cục ATVSTP TP.HCM đã lên kế hoạch kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh mì trên địa bàn. Các tỉnh, thành phố khác cũng đã vào cuộc kiểm tra chất kali bromat trong bánh mì sau khi nhận được công văn của Cục ATTP.
Hiện nay, chất kali bromat được rao bán nhiều nơi và đầy trên mạng. Liên hệ một người tên Hùng (rao bán trên mạng chất kali bromat ở TP.HCM), ông này cho biết thị trường chỉ có kali bromat dùng trong công nghiệp của Trung Quốc, được đựng trong thùng 25 kg với giá 5 triệu đồng. “Đa số cơ sở sản xuất bánh mì đều sử dụng chất này vì tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình nướng. Bánh lại nở to, xốp” - ông Hùng nói.
Ông Trần Xuân Điền, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết chất kali bromat thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện nên các DN sản xuất, kinh doanh hóa chất này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định và được Sở Công Thương xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định. Nếu cơ sở kinh doanh hóa chất kali bromat không đủ điều kiện kinh doanh thì ngành công thương có thẩm quyền xem xét, xử phạt theo quy định.
“Nếu phát hiện DN sử dụng chất này trong thực phẩm thì thẩm quyền xem xét, xử lý thuộc ngành y tế” - ông Điền nhấn mạnh.
TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết kali bromat có tác dụng gây ôxy hóa trong quá trình nhồi bột khiến bột dai, khi nướng bánh nở nhiều hơn. Bằng cảm quan khó phân biệt bánh mì có hoặc không có kali bromat. Kali bromat trong bánh mì có nguy cơ gây ung thư. Không chỉ Việt Nam, chất này còn bị cấm tại nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ... |