Một đêm ở trạm y tế xã

Tôi đi công tác và tình cờ ghé qua Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Bất ngờ là cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào trạm y tế này, bởi trước mắt tôi tấm cửa chính vỡ toang, dán keo nham nhở.

Nhìn vẻ ngạc nhiên của khách, vị bác sĩ trực chỉ thêm ba chỗ kính vỡ: Kính trong phòng cấp cứu và hai cửa sổ (!). Đó là hậu quả của nhiều tháng dừng tiêm vaccine Quinvaxem, khi tiêm lại, mỗi ngày chỉ tiêm 100 mũi nhưng bà con thì ùn ùn kéo đến lấy số, người không lấy được số vây trạm y tế đập phá. Chưa kể ngày lễ hay cuối tuần, thanh niên ăn nhậu choảng nhau gây thương tích hoặc tai nạn giao thông đưa vào sơ cứu rồi họ rượt nhân viên y tế, đập phá đồ đạc…

Đêm 15-3, rạng sáng 16-3, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận thực tế đêm trực tại trạm y tế xã này.

Hỏi số thứ tự tiêm vaccine từ khuya hôm trước!

20 giờ 45 phút, tôi đến Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A mà không hẹn trước. Tại đây có ba nhân viên trực gồm một bảo vệ và hai cán bộ phụ trách chuyên môn sơ cấp cứu. Không khí trong trạm tĩnh lặng dù bên ngoài có nhiều hàng quán ăn uống, nhậu nhẹt...

21 giờ 25 phút, một người đàn ông da đen đúa, nồng nặc mùi rượu tiến vào hỏi bảo vệ: Ngày mai Chủ nhật có tiêm vaccine không. (vaccine sởi và Quinvaxem). 10 phút sau, một người khác vào hỏi có phát số tiêm vaccine không. Chốc chốc anh bảo vệ Hoàng A Dũng lại phải lặp lại câu trả lời: Sẽ tiêm và phát số thứ tự vào lúc 8 giờ sáng. “Dán thông báo nhiều nơi là sẽ phát số thứ tự và tiêm vào lúc 8 giờ sáng vậy chứ mới 4-5 giờ sáng họ đã kéo đến đùng đùng” - bảo vệ Dũng cho biết.

 
Kéo nhau ra về lúc 5 giờ sáng sau hai giờ gọi cửa, mặc dù thông báo là 8 giờ mới phát số thứ tự tiêm vaccine. Ảnh: TÙNG SƠN

21 giờ 55 phút: Khi chúng tôi đang trò chuyện thì ngoài cửa một chiếc xe máy chở ba chạy vào. Hai phụ nữ hối hả dìu một người vào phòng cấp cứu trong trạng thái bất động, người co cứng. Nữ hộ sinh trực Như Quỳnh và điều dưỡng Mộng Thường nhanh chóng cho bệnh nhân thở ôxy qua đường mũi. Sau khi đo huyết áp và nghe nhịp tim, cán bộ y tế cho biết bệnh nhân không bị gì nặng, chỉ tụt canxi do xúc động mạnh.

Bệnh nhân là chị LTBH (40 tuổi), nhà gần trạm y tế. Hai phụ nữ đi cùng cho biết chị H. có chồng làm xây dựng ở xa, vừa về và đi vào trưa nay. Chính vì vậy chị buồn, khóc, mệt và xỉu. Mặc dù được hai người hàng xóm dỗ dành, an ủi nhưng chị ta kiên quyết không uống thuốc. Nhưng cuối cùng chị cũng chịu uống khi hàng xóm nói chị phải về cùng ba con nhỏ đang ở nhà đợi. Viện phí bao gồm thuốc không có BHYT mà chị bệnh nhân phải trả là 70.000 đồng.

22 giờ 30 phút: Thêm một người đàn ông chở vợ con đậu xe trước trạm bước vào hỏi việc lấy số thứ tự tiêm vaccine cho ngày mai. 20 phút sau lại có người vào hỏi giờ giấc lấy số thứ tự tiêm vaccine (!). Theo lời bảo vệ Dũng, trước đây trạm quy định phát số thứ tự tiêm vaccine lúc 5 giờ sáng nhưng mới 2-3 giờ, người dân đã tụ tập đập cửa đùng đùng không cho ai ngủ. Người được số thì không nói gì, người chưa được thì họ chửi cha mắng mẹ nhưng mình chỉ cúi mặt mà nghe. Dù cố thanh minh là mỗi ngày chỉ phát 100 số, mọi người hãy về nhà, mai tới nhưng họ không chịu, có khi tràn vào đòi đánh nhân viên. Do vậy, ở đây đóng cửa chính và phát số qua cửa sổ. Những người không được số đập vỡ luôn các cửa kính!

23 giờ: Người đi đường đã bắt đầu thưa thớt. Ba nhân viên trực trạm chuẩn bị ngả lưng nghỉ ngơi chờ cấp cứu. Cửa chính trạm được đóng lại phòng kẻ gian (không đóng cổng). Theo bảo vệ Dũng, ban đêm trạm thường cấp cứu những trường hợp bị tai nạn, đánh nhau, đau bụng… Có trường hợp “đối thủ” của người bị cấp cứu xách mã tấu lòng vòng xung quanh trạm nên phải điện thoại công an xã đến hỗ trợ.


Cửa sổ bị người dân đập vỡ vì không được lấy số thứ tự. Ảnh: TÙNG SƠN 

Trăm dâu đổ đầu trạm y tế

1 giờ sáng 16-3, cửa kính trạm y tế kêu ầm ầm. Khi bảo vệ Dũng mở cửa, ba thanh niên dìu bạn mình vào bên trong. Bệnh nhân cho biết mình mài inox, vô tình trượt tay vào máy mài nên bị cắt. Bệnh nhân đã đến phòng khám tư lúc chiều, được cho thuốc uống nhưng về đau nhức, ngủ không được, cánh tay nhấc không lên. “Bác sĩ cho em thuốc cho đỡ đau, em đau quá” - bệnh nhân than vãn. Sau khi xem xét vết thương, nhân viên y tế đề nghị bệnh nhân đến bệnh viện chụp X-quang để biết rõ tình trạng, phòng khi bệnh nhân bị cắt trúng xương. Sau khi nhóm thanh niên rời đi, gà đã bắt đầu gáy lần thứ nhất báo sáng.

3 giờ 19 phút: “Bác bảo vệ ơi!”. Kèm theo đó là tiếng giật cửa kính ầm ầm của 2-3 người dân đến… xin số thứ tự tiêm vaccine. Ít phút sau, khoảng 20-30 người khác cũng đến. Họ lấp ló tìm bảo vệ ở các cửa sổ, cửa chính. Một vài người vòng ra sau, đến hai cửa hậu bên hông trạm kéo cửa gọi í ới. Người đàn ông đến đầu tiên và gọi bảo vệ “nhiệt tình” nhất nản chí lên xe bỏ về. “Trời ơi! Khổ lắm, có phát số không thì nói cho biết” - một người gào lên.

 
Một bệnh nhân đang được cấp cứu. Ảnh: TÙNG SƠN

5 giờ: Bảo vệ Dũng sau nhiều giờ có vẻ chịu đựng theo thói quen đã bước ra thông báo là 8 giờ sáng mới bắt đầu phát số thứ tự. Hàng chục con người lầm bầm kéo nhau ra về. Nhưng chỉ vài phút sau lại có người đến tiếp tục đập cửa. “Mình đã dán thông báo nhiều nơi ngoài cổng, chẳng lẽ mỗi người đến gõ cửa mình phải dậy giải thích một lần!” - bảo vệ Dũng giải thích.

6 giờ sáng: Bảo vệ Dũng mở cửa chính, 4-5 chị đã ngồi sẵn tràn vào hỏi giờ phát số thứ tự tiêm vaccine. Tôi thấy người đàn ông gọi bảo vệ “nhiệt tình” nhất vào lúc rạng sáng cũng đã có mặt. Anh cho biết mình lo cho đứa con khoảng 18 tháng tuổi chưa tiêm mũi vaccine sởi nào. Lúc chín tháng bé bệnh không tiêm được, những lần sau đó thì hết vaccine nên lần này anh phải tranh thủ đến lấy số thứ tự. Nếu để trễ qua đợt này thì phải chờ tháng sau trong khi đang mùa dịch sởi.

7-8 giờ sáng: Những người đã lấy số tiêm vaccine từ hôm qua đã đưa con em đến khám, tiêm vaccine. Những người đợi từ rạng sáng cũng đã cầm trên tay tấm phiếu tiêm và yên tâm ra về (lịch tiêm kéo dài đến ngày 21-22 tháng 3).

Một cán bộ trạm y tế tâm sự, số trẻ tiêm vaccine mỗi đợt tại trạm là khoảng gần 1.000 em, thuộc diện đông nhất TP nên nhân viên y tế ở đây rất cực trong khi còn phải lo những chương trình y tế khác. Có khi phải tiêm đến nửa tháng mới hết đợt nên không làm được gì ngoài tiêm chủng…

DUY TÍNH

 

Chúng tôi rất đau tim!

Tính luôn hộ lý và bảo vệ thì trạm có 12 người nhưng chúng tôi đảm nhiệm 17 chương trình quốc gia phòng, chống các dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh sơ cấp cứu ban đầu, khám BHYT. Chúng tôi đang đề xuất xin thêm ba người chuyên môn để hỗ trợ nhưng vẫn chưa phân bổ về. Hiện một nhân viên nghỉ sinh, tôi đi học chính trị, chỉ còn BS Tùng đứng đầu lo chuyên môn.

Địa bàn xã có trên 70.000 dân nên công việc của chúng tôi quá nhiều. Chúng tôi rất cực, làm không xuể, còn lương thì mức độ theo bậc. Một đêm trực trước đây 8.000-10.000 đồng, giờ từ 35.000-43.000 đồng cũng chỉ đủ ăn tô phở và uống trà đá!

Người dân không biết nên nhiều khi phàn nàn, thưa kiện vì tưởng mình không có công việc gì. Tôi tính xin nghỉ sớm vì bị áp lực quá nhiều! Nhất là thời điểm tiêm ngừa, chúng tôi rất sợ, mỗi đợt tiêm qua một tuần bình yên thì mới hết lo, hết đau tim.

Y sĩ Nguyễn Thị Thi, Quyền Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm