Hội thảo góp ý dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày 13-4 chỉ diễn ra hơn hai tiếng nhưng có tới 22 ý kiến phát biểu và không có giờ giải lao. Theo đó, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng DNNVV cần được bảo vệ để phát triển hơn là hỗ trợ.
Khéo phải "mua" chứng chỉ, chứng nhận
Đặc biệt, việc bảo vệ các DNNVV khỏi bị thao túng, nhũng nhiễu, phiền hà từ các cơ quan hành chính, thuế vụ, công an… và các thương lái nước ngoài cạnh tranh bất chính còn quan trọng hơn việc hỗ trợ theo cách dàn trải, viển vông.
Điều bất ngờ đối với nhiều đại biểu dự hội thảo chính là Điều 29 bởi trong các dự thảo trước đó, điều luật này không hề tồn tại. Theo quy định tại điều này, Hiệp hội DNNVV Việt Nam có rất nhiều trách nhiệm như thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các DNNVV…
Góp ý nội dung này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng hiện nay các ngành hàng đều có hiệp hội và đang thực hiện trách nhiệm của mình. Vậy không nên gom trách nhiệm này về Hiệp hội DNNVV.
Đặc biệt, ông Giang cho rằng nếu quy định cho Hiệp hội DNNVV cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội thì không phù hợp bởi Việt Nam đang tiến tới việc các DN tự đăng ký, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng việc dùng nguồn lực ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hơi... viển vông. Ảnh: CHÂN LUẬN
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, cũng không đồng ý việc để Hiệp hội DNNVV Việt Nam cấp các chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành. Nếu quy định như vậy, theo ông Thời, khéo các DNNVV phải “mua” chứng chỉ, chứng nhận. Vô hình trung quy định này đặt ra xin-cho.
“Phải chăng khi được Hiệp hội DNNVV cấp chứng chỉ, chứng nhận, các DNNVV mới được ưu tiên? Nếu vậy thì chắc nhiều người phải xin vào ban chấp hành Hiệp hội DNNVV và chắc là phải vận động vì hiện ban chấp hành Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã ổn định rồi” - ông Thời nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cũng đặt vấn đề: Điều 29 trong dự thảo là sự sáng tạo hay là đề ra để có những lobby? “Hiệp hội DNNVV tỉnh Thanh Hóa đã từng tranh luận và quyết định không tham gia Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Vậy nếu chúng tôi không tham gia Hiệp hội DNNVV Việt Nam thì có được hỗ trợ không? Hay là phải lobby? Nếu vậy thì sẽ ít cạnh tranh, không có bình đẳng” - ông Đệ đặt câu hỏi.
Không khéo ngân sách sẽ “vẹo lưng”
Mặc dù dự thảo đề ra nhiều lĩnh vực hỗ trợ DNNVV nhưng hầu hết đại diện các hiệp hội DN đều cho rằng khó khả thi. “Toàn bộ dự thảo hầu như mới chỉ là quy định mang tính nguyên tắc chung chung, chưa có gì cụ thể mà hoàn toàn phụ thuộc vào quy định sau này của Chính phủ, hướng dẫn, đề xuất của các bộ, ngành và rất khó thực hiện” - luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thời cho rằng cần bảo đảm nguyên tắc Nhà nước có gì thì hỗ trợ cái đó, nếu không sẽ rơi vào tình trạng chỉ hỗ trợ cho những DN có quan hệ. Dẫn ví dụ về gói 30.000 tỉ đồng, ông Thời cho rằng các chính sách không thể ưu ái theo kiểu DNNVV thì lãi suất thấp, DN lớn thì lãi suất cao. “Nguyên tắc phải là DN nào lớn, có uy tín lớn thì lãi suất được ưu đãi, còn ngược lại thì lãi suất cao” - ông Thời nói.
Ông Vũ Đức Giang thì nhìn nhận về việc huy động nguồn lực và cho rằng nếu quy định các địa phương cũng phải hỗ trợ DNNVV thì hơi… viển vông. “Hiện nay chỉ có hơn 20 địa phương tự chủ được ngân sách, còn lại vẫn phải xin trung ương. Liệu các địa phương có ngân sách để hỗ trợ không? Điều này hơi viển vông” - ông Giang nói.
Ông Phan Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết số lượng DNNVV Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 97% và nếu Nhà nước hỗ trợ mỗi DN 10 triệu đồng thôi thì ngân sách đã “vẹo lưng” rồi.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cũng góp ý cần phải học cách hỗ trợ DNNVV của Đài Loan. “Chẳng hạn về thuế, nên bỏ thuế khoán. Bởi điều này đang tạo ra sự yên ổn cho các DNNVV. Người làm ra 2 tỉ đồng thì đóng thuế 10 triệu đồng trong khi người làm ra 3 tỉ đồng thì đóng thuế hàng trăm triệu đồng. Điều này khiến các DNNVV không thích… phát triển” - ông Việt Anh nói.
Đề cập tới chính sách hỗ trợ mặt bằng, ông Việt Anh cũng đề nghị Nhà nước nên học tập kinh nghiệm của Malaysia và Trung Quốc khi xây những chung cư nhà xưởng để DN thuê theo năng lực và sự phát triển từng thời kỳ.
Đối với các nước phát triển, hỗ trợ các DNNVV luôn là một chính sách trọng tâm. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ của họ rất có trọng điểm và không dàn trải. Phải hỗ trợ các DNNVV có tiềm năng phát triển chứ không phải hỗ trợ chỉ để các DNNVV tồn tại lay lắt. Bởi có một nguyên lý đơn giản là cộng đồng DN có phát triển thì đất nước mới phát triển, người dân mới có việc làm. Ông VŨ TIẾN LộC, Chủ tịch VCCI |