LTS: Với bài thơ Đánh thức tiềm lựccủa nhà thơ Nguyễn Duy vào đề thi văn THPT quốc gia năm nay, nhiều người cho rằng đề thi này hay, khơi gợi ở thí sinh về trách nhiệm xã hội đối với quốc gia, Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: "Một đề thi nên được đặt trong phạm vi chuyên nghiệp và khoa học phục vụ mục đích kỳ thi...".
PLO xin giới thiệu đến bạn đọc về nhận định này của nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng.
Thí sinh rạng rỡ sau khi thi xong môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 vào sáng nay. Ảnh: HG
Tôi thật sự thấy sợ, khi đến giờ này người ta vẫn còn hào hứng gắn mọi thứ với một đề thi!
Cái này nó bắt nguồn từ cái thời "khoa giáo" và "giáo khoa" và mọi thứ bị lẫn lẫn lộn lộn.
Một ngày nào đó, một trường nào đó, một giáo viên nào đó... lấy một bài báo bàn về câu chuyện vừa xảy ra trong xã hội, về tâm hồn cao thượng trên báo chí... người ta ồ lên, ngạc nhiên, phấn khích rằng nhà trường, giáo dục... đang đi dần về phía xã hội có thật. Không còn bịt mắt khoanh tay...
Đó là một cảm giác hào hứng của truyền thông như một cách nhắc khéo rằng giáo dục nên cải đạo mà nhìn xuống chân mình hơn là "mây bay đỉnh núi".
Nhưng rồi những ý tứ ngấm ngầm ấy thành một phong trào định hướng kỳ lạ là trường trường ra đề thực tiễn, nhà nhà ra đề thực tiễn... tất cả đề thi có dính tới hiện thực xã hội được tung hô.
Dĩ nhiên, có cái tốt và rất tốt khi người ta hướng người trẻ tuổi đến việc quan tâm và suy tư với xã hội.
Nhưng tôi vẫn nghĩ đó là nhiệm vụ của cả một cơ cấu chương trình giáo dục đặt trên một triết lý vì bản thân học sinh, vì sự phát triển của con người Việt Nam trong một cộng đồng thế giới loài người - Học để sống chung, thấu hiểu, chia sẻ và trách nhiệm - thì khi ấy mọi yêu cầu kia tự nhiên sẽ thành hiện thực - Chứ không phải qua một đề thi.
Đề thi văn THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: NQ
Giáo dục Việt Nam chưa có triết lý nào, cái này kỳ họp Quốc hội vừa rồi đã minh chứng.
Một đề thi nên được đặt trong phạm vi chuyên nghiệp và khoa học phục vụ mục đích kỳ thi. Một đề thi, đừng đòi hỏi cả sự thức tỉnh ý thức trách nhiệm xã hội hay đặt vấn đề tác động làm thay đổi các thứ khác trong xã hội nữa. Đề thi là để thực hiện nhiệm vụ của nó: Hướng đến mục đích kỳ thi trong phạm vi thích hợp và khoa học nhất mà người học, người dạy chấp nhận được - dù thắng hay thua!
Một khi truyền thông còn ca ngợi đề thi, có nghĩa rằng chúng ta còn thừa nhận một việc: Nền giáo dục chưa bao giờ có nhiệm vụ thức tỉnh về trách nhiệm giới trẻ trước tương lai đầy những thử thách của nước nhà.