ThS Đặng Thị Huy Lam, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM, nhận định đề văn năm 2018 rất hay. Cả ba phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều có sự tương liên về nội dung với nhau. Tất cả đều nói đến cuộc sống còn trì trệ, đói nghèo, lạc hậu của thời kỳ hậu chiến và thời kỳ đổi mới đất nước.
Thí sinh tươi cười rời phòng thi sau khi kết thúc môn văn.
Phần đọc hiểu chọn văn bản đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy vừa bản lĩnh vùa mang tính thời sự. Đoạn trích của đề nói đến sự day dứt, trăn trở của nhà thơ về hiện thực đất nước: Không chỉ nói suông, hô hào mà phải có giải pháp để đánh thức tiềm lực đất nước. Đừng để lòng đất giàu có mà mặt đất đói nghèo.
Câu nghị luận xã hội, thí sinh cần hiểu tiềm lực là gì? Muốn đánh thức tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng, khoa học công nghệ... thì điều quan trọng là phải đánh thức tiềm lực con người. Muốn vậy con người phải được trang bị kiến thức, kỹ năng sống, có trái tim nóng trước hiện thực đất nước để góp phần đánh thức tiềm năng ngủ quên của đất nước.
Với dạng đề này, học sinh cần biết vận dụng sự am hiểu kiến thức xã hội mang tính thời sự.
Năm nay, câu 3 nghị luận văn học hay và có khả năng phân hóa cao! So sánh đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền lưới vó trên biển sớm mờ sương với bi kịch bạo lực trong gia đình thuyền chài. Đối lập giữa hiện tượng bên ngoài và bản chất cuộc sống, giữa cái đẹp và cái xấu, cái ác. Từ đó, có cái nhìn đa diện về cuộc sống thời hậu chiến, chiến tranh qua đi, nhân dân ta vẫn đang đối mặt với đói nghèo, lạc hậu và bạo lực gia đình.
Phía sau cảnh thuyền, biển yên bình là cuộc sống nhọc nhằn, vất vả mưu sinh. So sánh đối lập để gửi gắm thông diệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, về thiên chức của người nghệ sĩ chân chính trong sáng tạo nghệ thuật. Liên hệ sự đối lập trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy bóng tối dày đặc, bao trùm ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt. Đó còn là sự đối lập giữa bóng tối của cuộc sống nghèo khổ, lay lắt, đơn điệu với ánh sáng của khát vọng sống, niềm tin về tương lai của những người lao động nghèo.
Tương tự, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên môn văn Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương, cho hay đề thi giống với cấu trúc đề minh học, học sinh đã quen.
Phần đọc hiểu, ngữ liệu có độ dài vừa phải, có tính vấn đề. Hệ thống câu hỏi đọc hiểu giống cấu trúc đề minh họa. Câu 1, 2 mở mức độ nhận biết, cứu học sinh. Câu 3 thông hiểu, còn câu 4 mang tính vận dụng. Hai câu hỏi này có tính mở, có độ phân hóa học sinh, nhìn thẳng vào một trong những bất cập lớn nhất của đất nước.
Đối với câu nghị luận xã hội, lệnh đề rõ, vấn đề nghị luận có ý nghĩa thời sự-xã hội, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Đề yêu cầu bàn tới một vấn đề sứ mệnh, trách nhiệm của đất nước.
Cũng theo cô Tâm, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội nếu có kiến thức nền tảng về địa lý, lịch sử, xã hội thì học sinh sẽ làm bài rất tốt, khai thác được những ý hay, sâu sắc, chạm được tới những vấn đề nhức nhối của thực tiễn, tới nỗi đau của đất nước.
Riêng phần nghị luận văn học, lệnh đề rõ. Nội dung nghị luận bám sát nội dung trọng tâm "vùng nguy hiểm", có tính vấn đề, có chất văn, đảm bảo yêu cầu tích hợp theo chủ trương của Bộ, có tính phân hóa cao.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Huệ, tổ phó tổ văn Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết đề văn năm nay có sự phân hóa học sinh. Điều đó được thể hiện ở câu tập làm văn 5 điểm. Câu 5 điểm của đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn có tính giáo dục cao, có sự phân hóa học sinh. "Với câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức vững, có độ am hiểu sâu mới có thể đánh giá đúng được vấn đề" - cô Huệ nói.
Cũng theo cô Huệ, hai tác phẩm sử dụng trong phần tập làm văn đều hay và giàu tính nhân văn. Mặt khác, năm nay đề đọc hiểu cũng đổi mới hơn trước. Có những câu hỏi mang tính phản biện. "Nhìn chung, đề văn năm nay rõ ràng, dễ hiểu, rất hay" - cô Huệ nhấn mạnh.