Ngày 31-8, TAND một quận ở TP.HCM xử vụ ly hôn giữa chị N. và anh T. Vì mâu thuẫn giữa họ quá nhỏ nên HĐXX đã dành nhiều thời gian khuyên can chị N. để hòa giải nhưng chị nhất quyết không thay đổi.
Theo lời kể của chị N., hai người kết hôn được gần 10 năm, điều họ có chung duy nhất với nhau chỉ là một đứa con. Còn lại, mọi nhu cầu trong gia đình đều trông cậy vào thu nhập từ quán bún bò của chị. anh thì việc làm không ổn định, có khi còn lấy tiền của chị để xài. Có ngày mấy chục ngàn đồng, có ngày cả trăm ngàn đồng. Gần đây, mỗi tháng anh còn đi nhậu đến mấy lần. Nhậu say về sinh sự, nói xấu hết người này đến người kia bên nhà chị. Trong khi người ta đã giúp đỡ mình rất nhiều, đã không biết ơn thì thôi lại còn nói xấu. Chị không thể nào chịu đựng nổi một người chồng như thế nên quyết định chia tay.
Trước tòa, anh phân bua hồi đó lúc thất nghiệp thì có lấy tiền của vợ nhưng giờ tìm được việc làm rồi, tiền lương cũng được 5 triệu đồng/tháng. Thiệt tình là anh tuy không đưa vợ được bao nhiêu nhưng anh vẫn đóng được học phí cho con. “Tôi thề trong gần 10 năm chung sống, tôi chỉ lớn tiếng và lỡ kêu vợ bằng “mày” có hai lần thôi. Còn mấy người bên nhà vợ, tôi chỉ nói ra sự thật nhưng vì làm vợ buồn nên tôi đã bỏ qua rồi”.
Anh tha thiết trình bày: “Tôi vẫn rất yêu thương vợ con, xin tòa cho cơ hội để tôi sửa đổi. Giờ quyết cho ly thân tôi cũng chịu, rồi từ từ tôi sẽ năn nỉ cô ấy...”.
Trước lời nài nỉ chân tình của người chồng, HĐXX ra sức khuyên giải chị. Rằng chị nên nghĩ thương con cái, rằng lỗi anh không đến mức phải thế này... Rằng anh là người đàn ông tốt, đã hứa sửa đổi những điều làm chị trái ý.
Đại diện VKSND cũng nói tình nghĩa vợ chồng gần 10 năm trời, chắc cũng không phải là nhẹ…
Đáp lại, chị trả lời ngay không một giây đắn đo: “Xin tòa cho ly hôn thôi! Tôi không muốn kéo dài thêm ngày nào nữa!”.
Lúc này, người chồng nấc từng tiếng đứt quãng: “Tôi vẫn... thương... vợ nhiều lắm!”. Rồi anh nghẹn lời, chỉ lắc đầu chứ không nói được nữa.
Tòa nghị án, anh nhìn chị, muốn nói gì đó nhưng thấy mặt chị đanh lại nên thôi. Anh lấy điện thoại ra gọi, cố kìm nén để con không nhận ra mình vừa khóc: “Ừ, con à! Ăn cơm chưa con? Ừ, cha mẹ đi công chuyện lát về à. Ừ, con làm gì đó?... Hả? Cắm điện vào phải cẩn thận nghe con, phải mang dép vào rồi mới cắm đó, nhớ chưa!...”.
Tần ngần một lúc, anh quay sang chị: “Em không thương con nữa sao? Mình thế này con nó thiệt thòi biết bao nhiêu. Em không tội nghiệp con à?!”.
Trả lời: “Tội cái gì? Thì tôi vẫn buôn bán, vẫn nuôi con, nó sẽ không thua thiệt ai cả. Phần đó ông khỏi lo. Ông về nhà, đóng cửa lại một mình mà tự suy nghĩ. Ông đừng mang nước mắt ra tòa, đừng khóc trước mặt người ta như vậy. Ông không biết mắc cỡ à? Tôi mà là đàn ông như ông, chắc tôi mắc cỡ chết”.
“Em nghĩ sao mà nói vậy? Trời ơi, bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu tình cảm cả chục năm trời, anh đặt hết ở mẹ con em. Giờ em nói bỏ là bỏ làm sao anh chịu nổi?”.
“Ông cho tôi được cái gì? Ông nói đi, 10 năm nay ông cho mẹ con tôi được cái gì? Hả?”.
Im lặng. Chị khoanh tay trước ngực, ngồi chéo chân lại, quay mặt đi hướng khác. Từ đầu đến cuối phiên tòa, chị vẫn luôn bình thản, một sự bình thản đến lạnh lùng.
Tòa tuyên không chấp nhận cho chị ly hôn. Mặt anh giãn ra, thở phào nhẹ nhõm.
Xong, cả hai ra về. Anh chạy theo, níu tay chị lại, nói gì đó không ai nghe rõ. Bỗng nhiên, chị hét lên: “Tại sao vậy? Tại sao ông không chịu ký giấy ly hôn cho xong, hả? Ông đừng hy vọng nữa! Người đàn bà một khi người ta đã muốn bỏ thì đừng hòng mà giữ!”.