Điều này trái ngược với niềm tin thường có của mọi người rằng kết hôn vào độ tuổi trưởng thành sẽ giúp hôn nhân lâu bền hơn. Sau độ tuổi 32, nguy cơ ly hôn tăng thêm 5% với mỗi một nấc tuổi. Lý giải cho điều này, các chuyên gia tâm lý đưa ra các lý do có thể như sau:
Mâu thuẫn giữa những cá nhân độc lập
Sau độ tuổi 30, mọi người thường trở nên cứng rắn, kiên định hơn do mức độ tự tin vào bản thân đã đạt đến độ chín mùi. Dù kết hôn ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ nhưng trì hoãn hôn nhân quá lâu có thể dẫn tới tỉ lệ ly hôn cao. Qua 30 tuổi, cả nam giới lẫn nữ giới đều đã độc lập, mạnh mẽ, ít cởi mở hơn nên rất khó để thay đổi vì nhau. Mỗi người đều đã có cuộc sống, nghề nghiệp, tài chính và cá tính riêng, cách sống riêng mà họ cảm thấy thoải mái, khó nghĩ đến việc thay đổi để thích nghi với một "người lạ" xuất hiện trong đời.
Mâu thuẫn trong ý tưởng về gia đình
Mang thai vào độ tuổi trung niên khó khăn hơn cho phụ nữ. Đây là một quy luật tự nhiên nhưng cũng có thể là một nguy cơ dẫn đến việc ly hôn. Phụ nữ U40 sẽ chấp nhận việc không có con hoặc sẽ tìm kiếm các biện pháp mang thai, sinh con khác. Mâu thuẫn về con cái có thể dẫn đến trục trặc giữa 2 vợ chồng.
Phụ nữ khi kết hôn muộn cũng ít hào hứng hơn khi nghĩ về chuyện mang thai. Ngay cả với đàn ông, kết hôn khi đã lớn tuổi quan điểm của các chàng về gia đình có thể không còn giống như lúc trẻ. Nếu 2 người không thông hiểu, bày tỏ rõ với nhau trước về quan niệm gia đình, con cái, mâu thuẫn sẽ là tất yếu.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp kết hôn muộn. Chỉ cần “đương sự” khi bước vào thỏa thuận “chung thân” này hiểu rằng hôn nhân không phải là việc có thể tùy tiện lựa chọn dù bạn còn trẻ hay đã “lão thành”, và hạnh phúc không bao giờ tự nhiên mà có.
Khi kết hôn muộn, hãy dùng sự chín chắn để nhìn nhận và tổ chức cuộc sống của bản thân để đạt được sự hòa hợp. Khi lớn tuổi chúng ta khó chấp nhận nhau hơn nhưng bù lại sẽ có đủ độ sâu và điềm tĩnh để đối diện với những khác biệt.