Tại đại hội cổ đông của OCB vừa được tổ chức, nhiều cổ đông đặt câu hỏi vì sao ngân hàng lại đầu tư chứng khoán chiếm tỉ trọng quá cao với hơn 33 ngàn tỉ trên tổng mức tài sản là 152 ngàn tỉ.
Dù hiện mang lại lợi nhuận tốt với lãi thuần gần 2.000 tỉ trong năm 2020, nhưng các cổ đông vẫn cho rằng đầu tư chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh khá rủi ro.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, thực tế đầu tư chứng khoán vẫn tập trung vào kinh doanh trái phiếu chính phủ. Đây là hoạt động truyền thống tự nhiên của ngân hàng.
Ngân hàng có dư vốn. Theo quy định pháp luật không được cho vay hết 100% tiền huy động nên tiền đó đưa vào danh mục trái phiếu chính phủ có rủi ro thấp, và do biến động lãi suất vừa qua nên thu được lãi tốt. Ngân hàng không có một hoạt động kinh doanh chứng khoán nào về cổ phiếu.
"Một khi tuân thủ theo chuẩn mực Basel 2 thì ngân hàng đó có cơ chế quản lý chặt chẽ danh mục tín dụng của mình. Nguyên tắc trọng yếu cao nhất là kiểm soát rủi ro của các danh mục đó" - ông Tuấn trấn an cổ đông.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của OCB đạt 152,5 ngàn tỉ đồng, tăng 29%. Trong đó dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 90,2 ngàn tỉ đồng, tăng 24%.
OCB cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020.
(PLO)- Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng chạy đua gọi vốn nhằm thúc đẩy kế hoạch kinh doanh tăng trưởng tốt hơn năm ngoái.