Ngay khi thị trường chứng khoán mở giao dịch (28-1), hơn 1,1 tỉ cổ phiếu OCB được định giá tham chiếu là 22.900 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hoá hơn 25.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD).
Về cuối phiên giao dịch trưa ngày 28-1, cổ phiếu OCB đạt mức 18.400 đồng. Dù mức giá này chưa đạt kỳ vọng nhưng giá trị vốn hoá của OCB ngày đầu tiên lên sàn cũng đã đạt mức hơn 20.000 tỉ đồng.
Tại sự kiện niêm yết cổ phiếu OCB trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cho biết, việc lên sàn HOSE đóng vai trò quan trọng với OCB, nhưng cũng đã nằm trong lộ trình ngân hàng đã hoạch định từ trước. Đó là xây dựng, cải tổ, tái cấu trúc ngân hàng và hoàn thiện mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, rồi mới tiến hành niêm yết.
"Ngân hàng sẽ nỗ lực làm tốt hơn để tăng trưởng, như kế hoạch đặt ra đến năm 2025, OCB có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20% - 25%/năm, với mục tiêu nằm trong tốp 5 ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu tại Việt Nam", ông Tuấn cho biết.
OCB là ngân hàng trong hệ thống ngân hàng mở màn niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2021. Tiếp theo, Ngân hàng SeaBank cũng dự kiến niêm yết vào quý 1-2021 và theo sau đó là các tên tuổi khác vì mới chỉ có 21 ngân hàng niêm yết trên tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần.
Công ty chứng khoán SSI dự báo, năm 2021, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của hệ thống ngân hàng sẽ tăng 15%, trong khi tăng trưởng tín dụng là 12-13% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng có thể đạt mục tiêu này nhờ vào chi phí vốn giảm. Cụ thể lãi suất huy động giảm từ 2-2,5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020.
Hầu như không có trở ngại từ việc thắt chặt tỉ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn. Thông tư 08/2020 đưa ra lộ trình giảm mức trần vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn, từ 40% xuống còn 37% (từ ngày 1-10-2021); 34%(từ ngày 1-10-2022); và 30% (từ ngày 1-10-2023).